EU cam kết tài trợ để giải quyết khủng hoảng

Tại cuộc họp trực tuyến tối 10/3, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tìm cách trấn an doanh nghiệp và thị trường, đồng thời tuyên bố sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ nền kinh tế khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành tại châu Âu và trên thế giới.

Chú thích ảnh
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo ở Dublin, Ireland ngày 15/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Brussels, tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen biết khối sẽ ra mắt một quỹ đầu tư trị giá 25 tỷ euro, trong đó sẽ giải ngân ngay lập tức 7,5 tỷ để hỗ trợ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, việc làm và giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bà von der Leyen nhấn mạnh EU sẽ sử dụng tất cả các khoản tiền trong khả năng và dùng mọi phương tiện để có thể giúp nền kinh tế tăng sức kháng cự và có thể vượt qua cơn bão. Chủ tịch EC khẳng định viện trợ nhà nước phải được cấp cho các nước đang thực sự có nhu cầu và EU cần linh hoạt trong các quy tắc của mình để hạn chế thâm hụt công.

Tại cuộc họp, các lãnh đạo cho biết EU sẵn sàng sử dụng mọi công cụ cần thiết để giải quyết các hệ lụy về kinh tế-xã hội. Đặc biệt, EU sẽ xem xét những tác động đến tính thanh khoản, tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đặc biệt quan tâm tới người lao động. 

Bên cạnh những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến kinh tế, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cùng hợp tác, hành động nhanh chóng và phối hợp chặt chẽ với EC để đẩy lùi bệnh dịch.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel lưu ý các Bộ trưởng y tế và Bộ trưởng nội vụ của 27 nước phải tham vấn nhau hàng ngày để đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng trên cơ sở tuân thủ các phương hướng chung của EU.

Ông Michel cho biết sau khi trao đổi về thông tin và tình hình thực tế, các lãnh đạo đã xác định mối bận tâm lớn nhất hiện nay là hạn chế sự lây lan của virus, cung cấp trang thiết bị y tế, hỗ trợ nghiên cứu khoa học trong đó quan trọng nhất là tìm ra vaccine.

Các quốc gia thành viên đồng ý rằng sức khỏe của công dân là ưu tiên hàng đầu và các biện pháp đưa ra phải được xây dựng trên tư vấn khoa học và y tế. Các biện pháp cần phải tương xứng để để không gây những hậu quả quá mức cho toàn xã hội. Các nhà lãnh đạo cũng đồng ý rằng vào thời điểm này cần chia sẻ mọi thông tin liên quan, thông qua các cơ chế phối hợp hiện có. 

Các lãnh đạo cũng thống nhất giao nhiệm vụ cho EC phân tích nhu cầu và đưa ra các sáng kiến để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế, trong đó đặc biệt chú ý đến khẩu trang và máy thở. Pháp và Đức đã bị chỉ trích vì ngăn chặn việc xuất khẩu các mặt hàng này.

Các lãnh đạo cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nghiên cứu để tìm thuốc điều trị và vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Về phần mình, EC đã huy động được 140 triệu euro và lựa chọn ra 17 dự án cho các công việc trên.

Các quốc gia thành viên cùng các thể chế châu Âu sẽ thực hiện theo dõi ở tất cả các cấp và triển khai việc này ngay lập tức. Hội đồng châu Âu sẽ quay trở lại thảo luận vấn đề trên trong hội nghị thượng đỉnh 26-27/3 để đưa ra những quyết định bổ sung cần thiết.

* Quốc hội Đức sẽ bổ sung thêm ngân sách 1 tỉ euro cho các biện pháp ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thông tin này được ông Ralph Brinkhaus, Chủ tịch liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) trong Quốc hội liên bang đưa ra ngày 10/3.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt một lái xe tại khu vực cửa khẩu Jedrzychowice giữa Đức và Ba Lan nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan, ngày 9/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Berlin, ông Brinkhaus cho biết ngân sách bổ sung này sẽ được sử dụng với mục đích hỗ trợ hoạt động nghiên cứu phương pháp phòng chống sự lây lan của virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ông cũng nhấn mạnh các cơ quan y tế nhà nước và Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn "sẽ nhận được sự hỗ trợ về các phương tiện" cần thiết để đối phó với dịch COVID-19 hiện nay.

Hôm 9/3,  liên minh cầm quyền nước Đức gồm CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã thông qua một số biện pháp khẩn cấp để hạn chế hậu quả của COVID-19 đối với doanh nghiệp nước này. Theo đó, Chính phủ Đức sẽ hỗ trợ khả năng thanh khoản, cung cấp bảo lãnh và khả năng giảm thuế cho các công ty bị ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19. 

Về tình hình dịch bệnh ở Đức, tính đến tối 10/3 theo giờ địa phương, nước này đã ghi nhận 1.524 trường hợp nhiễm bệnh tại 16 bang trên cả nước và 2 ca tử vong. 

* Cũng trong ngày 10/3, chính phủ Bỉ đã đưa ra những khuyến nghị về các biện pháp bổ sung nhằm kiểm soát dịch COVID-19 lây lan. Theo đó, Hội đồng An ninh Quốc gia Bỉ, được thành lập năm 2015 để đối phó với các nguy cơ khủng bố, nay đã lần đầu tiên được huy động để giải quyết khủng hoảng y tế do dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Brussels, Hội đồng Anh ninh Quốc gia Bỉ đã có cuộc họp với Thủ tướng tạm quyền Sophie Wilmès và đưa ra nhiều khuyến nghị về các biện pháp phòng dịch.
Đối với trường học, chính phủ khuyến nghị không đóng cửa, ngay cả khi xuất hiện 1 ca nhiễm bệnh trong trường. Tuy nhiên, trường không nên tổ chức hoạt động lễ hội và du lịch cho học sinh tới những vùng có nguy cơ lây nhiễm.        

Ở quy mô địa phương, chính phủ Bỉ đề xuất cấm những sự kiện tập trung trong không gian kín có trên 1.000 người. Quy định cụ thể hơn sẽ do các thị trưởng và thống đốc các vùng quyết định. Các sự kiện ngoài trời như các giải bóng đá vẫn được phép diễn ra.

Hội đồng An ninh Quốc gia Bỉ cũng không ngăn việc sử dụng các phương tiện công cộng. Hội đồng khuyến khích người lao động làm việc từ xa, tránh hội họp không thực sự cần thiết, đề ra thời gian làm việc linh hoạt để tránh tình trạng phương tiện giao thông công cộng bị quá tải. Các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay, vệ sinh phòng ở và phòng làm việc, cũng được các chuyên gia y tế khuyến nghị, đặc biệt thói quen bắt tay và hôn má khi chào hỏi của người phương Tây cũng cần được tránh thực hiện trong thời điểm dịch bệnh này.

Tính trong ngày 10/3, trên toàn nước Bỉ đã ghi nhận 28 ca dương tính với Sars-Cov-2, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên con số 267 ca. Hiện tình hình dịch COVID-19 tại nước này đang được các chuyên gia y tế đánh giá ở giai đoạn 2 tăng cường, trên thang gồm 3 cấp độ.

* Air Canada - hãng hàng không lớn nhất Canada, vừa ra thông báo tạm dừng mọi chuyến bay đến và đi từ Italy. Quyết định này được Air Canada đưa ra trên cơ sở các quy định mới của Italy và những quan ngại về tình trạng an toàn, sức khỏe của người dân, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) diễn biến phức tạp.  

Phóng viên TTXVN thường trú tại Ottawa cho hay chuyến bay cuối cùng của Air Canada tới Rome dự kiến cất cánh từ Toronto trong ngày 10/3, trong khi ở chiều ngược lại, chuyến cuối cùng khởi hành từ Rome tới Montreal trong ngày 11/3. Air Canada cho biết sẽ khởi động lại dịch vụ bay tới Italy vào ngày 1/5. Các hành khách bị ảnh hưởng bởi quyết định sẽ được thông báo và hoàn lại toàn bộ tiền vé.

* Ngày 10/3, Jordan đã cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ 5 nước là Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Syria và Liban để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực Trung Đông, Phát biểu họp báo tại thủ đô Amman, Bộ trưởng Y tế Jordan Saad Jaber cho biết công dân nước này cũng bị cấm đến 5 nước nói trên. Theo ông Jaber, Jordan cũng đã quyết định đóng cửa biên giới trên biển với Ai Cập và giảm 50% các chuyến bay từ Ai Cập. Ngoài ra, cửa khẩu biên giới với Iraq và Palestine đã bị đóng cửa đối với hành khách, chỉ mở cửa cho xe tải lưu thông.  Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Jordan cho biết nước này chưa có quyết định về việc cho học sinh các cấp nghỉ học.

Cùng ngày, Quốc vương Oman đã ra sắc lệnh thành lập Ủy ban cấp cao nghiên cứu cơ chế ứng phó với sự lây lan của COVID-19. Ủy ban này sẽ được giao nhiệm vụ theo dõi diễn biến của Covid-19 cũng như nỗ lực của các nước khu vực và quốc tế nhằm ứng phó dịch. Ủy ban cũng sẽ xây dựng các giải pháp thích hợp, đề xuất và khuyến nghị dựa trên kết quả các đánh giá y tế tổng thể và các công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

* Tối 10/3, Bộ Y tế Israel đã xác nhận thêm hơn 10 ca nhiễm SARS-CoV2, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này lên 75 trường hợp. 

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Ben Gurion gần Tel Aviv, Israel ngày 27/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Israel, cảnh sát và Bộ Y tế Israel đã thành lập các lực lượng đặc nhiệm bao gồm cảnh sát và thanh tra nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch. Các lực lượng này sẽ đảm bảo tất cả những người đang bị cách ly phải tuân thủ các qui định của Bộ Y tế.

Cùng ngày, Bộ Y tế Israel đã chỉ thị cho người dân hạn chế tổ chức các sự kiện với số lượng trên 2.000 người do lo ngại dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát. Ngoài ra, Bộ Lao động, Xã hội và Dịch vụ Xã hội cũng không cho phép các thành viên gia đình và người quen vào thăm viện dưỡng lão. Các cuộc thăm hỏi sẽ diễn ra bên ngoài.

Trong khi đó, hai hãng hàng không của Israel là Arkia và Israir tuyên bố sẽ tạm dừng các chuyến bay quốc tế sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 9/3 yêu cầu cách ly 14 ngày đối với công dân của tất cả các nước tới Israel do lo ngại về dịch COVID-19.

* Cũng trong ngày 10/3, Cộng hòa Dân chủ Congo đã xác nhận trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên ở nước này, qua đó nâng tổng số quốc gia ở vùng Hạ Sahara ghi nhận sự lây lan của dịch COVID lên con số 7.

Theo Bộ trưởng Y tế Eteni Longondo, bệnh nhân là công dân Congo nhưng sống ở Pháp và mới trở lại Congo hôm 8/3, và không có triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân và nhiều người có tiếp xúc hiện đã được cách ly.

TTXVN/Báo Tin tức
Các doanh nghiệp và nền kinh tế bị tác động nặng nề từ dịch COVID-19
Các doanh nghiệp và nền kinh tế bị tác động nặng nề từ dịch COVID-19

Theo thông tin từ Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, kết quả khảo sát nhanh trong hơn 1.200 doanh nghiệp do Ban này tiến hành ngày 2-3/3 cho thấy, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh (“phơi nhiễm” COVID-19).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN