EU cảnh báo Serbia vì không tham gia trừng phạt Nga

EU cho rằng việc Serbia không tham gia các lệnh trừng phạt Nga có thể cản trở tham vọng gia nhập Liên minh này.

Chú thích ảnh
Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas. Ảnh: AFP

Theo trang tin Euronews, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas ngày 9/10 cho biết việc Serbia không ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga có thể đe dọa tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu của nước này. 

Trước đó Nghị viện châu Âu (EP) cũng thông báo sẽ yêu cầu đình chỉ các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU của Serbia do nước này từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của khối đối với Nga.

Báo cáo của EP nhấn mạnh sự cần thiết phải “ưu tiên sự liên kết của các nước gia nhập với chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU và chỉ tiếp tục đàm phán gia nhập với Serbia nếu nước này tuân thủ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga”.

Serbia theo truyền thống có quan điểm trung lập khi nói đến NATO và Nga. Nhưng hiện nay, nước này có thể buộc phải chọn bên trong bối cảnh áp lực gia tăng từ EU. 

Trong khi đó, phát biểu sau khi khai trương nhà máy sản xuất động cơ máy bay ở Belgrade, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić thừa nhận rằng đang chịu áp lực về các lệnh trừng phạt chống Nga. 

"Tất cả đều muốn chúng tôi áp đặt các biện pháp trừng phạt. Tôi hiểu điều đó, nhưng chỉ chấp nhận nó như một yêu cầu hợp pháp và chính đáng về mặt chính trị. Về bản chất, chúng tôi là một phần của Cộng đồng Chính trị châu Âu, bất kể chúng tôi có đưa ra các biện pháp trừng phạt đó hay không”, ông Vučić nói.

Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ công bố một báo cáo về quá trình gia nhập EU của Serbia vào tuần tới, sau khi họ nêu ra những lo ngại nghiêm trọng về các cuộc tham vấn chính sách đối ngoại gần đây của Serbia với Nga bất chấp lời kêu gọi từ Brussels cắt đứt quan hệ với Moskva.

Công Thuận/Báo Tin tức
Serbia và Croatia tranh cãi vì lệnh cấm vận dầu của EU với Nga
Serbia và Croatia tranh cãi vì lệnh cấm vận dầu của EU với Nga

Gói trừng phạt thứ 8 của EU áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, theo đó các nước Tây Balkan sẽ không được miễn trừ, trái với một số kỳ vọng trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN