Báo cáo trên là kết quả 1 năm tham vấn ý kiến của hàng trăm công dân của EU trong khuôn khổ “Hội nghị Tương lai của châu Âu” nhằm đề xuất một số ý tưởng giúp khối có thể đáp ứng tốt ứng tốt hơn kỳ vọng của người dân. Tổng cộng có 49 kiến nghị sẽ được Nghị viện châu Âu (EP), chính phủ các nước EU và Ủy ban châu Âu (EC) xem xét. Các kiến nghị tập trung vào 9 vấn đề gồm biến đổi khí hậu và môi trường, kinh tế, di cư, chuyển đổi kỹ thuật số, dân chủ, giáo dục, các giá trị và pháp quyền, y tế và vị thế của EU trên thế giới.
Mục đích của kiến nghị là nhằm chấm dứt sự phân biệt đối xử đối với tất cả người châu Âu trên toàn khối và kêu gọi khối này "mạnh dạn và hành động nhanh chóng" để đi đầu trong vấn đề môi trường và khí hậu, thông qua khuyến khích giao thông bền vững và trở thành "một nền kinh tế tuần hoàn".
Đáng chú ý, các kiến nghị kêu gọi EU loại bỏ nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối trong các quyết định của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, thuế, tài chính, một số lĩnh vực tư pháp và nội vụ, an sinh xã hội... Nguyên tắc này thường bị chỉ trích là làm chậm hoặc thậm chí cản trở sự phát triển của EU. Nếu bỏ quyền phủ quyết, EU sẽ chỉ cần 15/27 nước thành viên (tương đương 65% dân số của khối) ủng hộ để thông qua quyết định quan trọng.
Những thay đổi như vậy sẽ đòi hỏi phải sửa đổi các hiệp ước của EU và là một quá trình lâu dài, khó khăn, cần đến sự nhất trí. Bản kiến nghị đã vấp phải sự phản đối của 1/3 các thành viên EU, bao gồm Bulgaria, Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Latvia, Litva, Malta, Slovenia và Thụy Điển. Họ cho rằng trong bối cảnh khối đang phải đối mặt với các tác động kinh tế hậu đại dịch COVID-19, cuộc xung đột tại Ukraine và biến đổi khí hậu, thì một quá trình thay đổi hiệp ước kéo dài như hiện nay sẽ chỉ lấy đi nguồn lực giải quyết các vấn đề cấp bách hơn và dẫn đến sự chia rẽ mới.
Tuy nhiên, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng việc bỏ phiếu nhằm đạt được sự đồng thuận tuyệt đối về các chính sách quan trọng sẽ không mang lại hiệu quả, nếu như EU muốn đẩy nhanh việc đưa ra quyết định. Phát biểu trước EP ngày 9/5, bà von der Leyen nhấn mạnh EU nên đóng vai trò lớn hơn trong một số lĩnh vực như y tế, hoặc quốc phòng. Bà khẳng định sẵn sàng ủng hộ thay đổi hiệp ước của EU khi cần thiết để đáp ứng các nguyện vọng của người dân về tương lai của khối.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố ủng hộ việc thay đổi các hiệp ước của EU.