Theo hãng tin trên, Brussels cảnh báo rằng trong trường hợp khẩn cấp, kế hoạch này sẽ tác động đến hầu hết các thành viên Liên minh châu Âu (EU). Bởi lẽ, những nước có nguồn cung cấp năng lượng thay thế, chẳng hạn như Tây Ban Nha, sẽ phải chia sẻ khí đốt với các nước sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định ngừng nhập khí đốt của Nga.
Theo báo cáo, kế hoạch sẽ quy định rằng việc phân bổ năng lượng phải được áp dụng theo cách mà các công ty ở một số nước EU có nguồn năng lượng thay thế không được có lợi thế cạnh tranh so với các công ty tại những quốc gia phải trực tiếp đối mặt với việc cắt giảm nguồn cung của Nga.
El Pais chỉ ra rằng Brussels có kế hoạch sử dụng quy định từ năm 2017 về an ninh nguồn cung năng lượng để đưa ra biện pháp đảm bảo cung cấp đủ khí đốt cho các hộ gia đình và dịch vụ xã hội thiết yếu ở toàn khối EU.
Kế hoạch chi tiết của EU dự kiến rằng mỗi thành viên bị ảnh hưởng có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và áp đặt các quy tắc phân bổ của riêng mình. Ngoài ra, các quốc gia như vậy được phép viện dẫn điều khoản liên quan đến tính đoàn kết của quy định trên, điều này sẽ thúc đẩy các quốc gia không bị ảnh hưởng cung cấp khí đốt cho họ.
El Pais đưa tin EU đã bắt tay vào một cuộc chạy đua “điên cuồng” để tìm kiếm các nguồn cung cấp năng lượng mới. Đồng thời, Brussels thừa nhận rằng trước mắt sẽ không thể thay thế nguồn cung cấp khí đốt của Nga.
Theo nguồn tin này, EC tin rằng trong số 155.000 triệu m3 khí đốt hàng năm nhập khẩu của Nga, 2/3 có thể được thay thế từ những nơi khác. Tuy vậy, họ sẽ còn thiếu khoảng 50.000 triệu mét khối - con số tương đương với mức tiêu thụ khí đốt trong 12 tháng của Romania, Hungary, Áo, Séc, Slovakia, Estonia, Latvia và Litva.
Đầu tuần này, Cao ủy EU phụ trách Năng lượng Kadri Simson đã thúc giục Brussels đẩy nhanh quá trình triển khai các nguồn năng lượng tái tạo nhằm giải quyết vấn đề thay thế nhập khẩu khí đốt của Nga. “Chúng ta không thể đơn giản thay thế 155 triệu mét khí đốt của Nga bằng khí đốt hóa thạch từ các nhà cung cấp khác. Đó không phải là giải pháp bền vững và cũng không hề rẻ. Vì vậy, chúng ta cần tăng tốc độ triển khai năng lượng tái tạo”, bà Kadri Simson nhấn mạnh.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch đặc biệt nhằm phi quân sự hóa Ukraine hôm 24/2, các quan chức EU đã đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva, cùng với đó là cam kết giảm đáng kể sự phụ thuộc của khối 27 quốc gia này vào dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga. Vào đầu tháng 3, EU đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm 2022. Châu Âu hiện tiêu thụ khoảng 40% khí đốt tự nhiên từ Nga.
Cũng trong tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị cho chính phủ và tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga chuyển các khoản thanh toán khí đốt của các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moskva sang đồng rúp. Cuối tháng 4, Gazprom thông báo đã tạm ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria do hai nước này từ chối thanh toán nhiên liệu bằng đồng rúp mặc dù đã được thông báo hợp lệ.
Liên quan đến vấn đề thanh toán trên, ông Gergely Gulyas - người đứng đầu Văn phòng Thủ tướng Hungary - tuyên bố rằng ngoài Hungary, 9 quốc gia châu Âu khác đã mở tài khoản tại các ngân hàng Nga để chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp, nhưng họ không muốn thông báo về động thái này.