Theo một bài bình luận trên Bloomberg, đây là một "bước đi sai lầm" có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.
Các chuyên gia lo ngại rằng việc áp thuế sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn cả với chính nền kinh tế EU. Cụ thể, thuế quan mới có thể làm chậm quá trình chuyển đổi sang xe điện tại châu Âu, mâu thuẫn với mục tiêu giảm phát thải carbon của khối. Việc bảo hộ thị trường nội địa có thể làm giảm áp lực cạnh tranh, khiến các nhà sản xuất ô tô châu Âu trở nên trì trệ và ít đầu tư vào công nghệ mới. Các biện pháp bảo hộ thương mại của EU có thể dẫn đến phản ứng tương tự từ phía Trung Quốc, làm leo thang căng thẳng thương mại giữa hai bên và gây tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu bởi thực tế các nhà sản xuất châu Âu vẫn cần tiếp cận thị trường nhiều tiềm năng là Trung Quốc.
Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, như chi phí sản xuất cao, chậm đổi mới, quy định về khí thải khắt khe và việc tiếp cận vốn đầu tư cho các dự án phát triển EV còn nhiều hạn chế.
Trong tuyên bố ngày 12/10, Bộ Thương mại Trung Quốc hối thúc EU không tiến hành các cuộc đàm phán riêng biệt về giá EV do Trung Quốc sản xuất, cảnh báo rằng việc làm đó sẽ làm lung lay nền tảng của các cuộc đàm phán thuế quan song phương.
Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi Brussels bác bỏ một đề xuất về việc bán EV sản xuất tại Trung Quốc với mức giá tối thiểu là 30.000 euro (32.000 USD), một động thái mà Bắc Kinh hy vọng sẽ ngăn chặn được việc EU áp dụng thuế quan vào tháng tới.