Trong tuyên bố, Bộ trưởng Môi trường CH Séc (nước đang là Chủ tịch luân phiên EU), ông Marian Jurecka nhấn mạnh thỏa thuận sẽ cho phép EU đáp ứng các mục tiêu về khí hậu trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đồng thời đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho người lao động và doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương nhất.
EU đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 55% lượng khí thải so mức ghi nhận năm 1990, đóng góp đáng kể cho nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu này, thị trường carbon của EU cần được cải cách để cắt giảm khí thải nhanh hơn, yêu cầu khoảng 10.000 nhà máy điện và nhà máy công nghiệp mua giấy phép phát thải CO2.
Các nhà đàm phán bất đồng về thời điểm chấm dứt cấp giấy phép phát thải CO2 miễn phí mà EU dành cho các ngành công nghiệp của khối để bảo vệ họ trước sự cạnh tranh của các nước ngoài khối. Số lượng những giấy phép này sẽ giảm xuống khi EU áp thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu – biện pháp được đưa ra để bảo vệ các công ty của EU trước các đối thủ ngoài khối.
Trong một thông báo, Hội đồng châu Âu cho biết sau 30 giờ đàm phán, bắt đầu từ ngày 16/12, các nhà đàm phán đã nhất trí nâng mục tiêu cắt giảm khí thải ở các ngành trong Hệ thống Thương mại khí thải châu Âu lên tổng cộng 62% vào năm 2030. Họ cũng quyết định điều chỉnh tổng mức trần phát thải trong 2 năm tới lần lượt là 90 và 27 triệu tín chỉ carbon, đồng thời mức trần này giảm 4,3%/năm từ năm 2024 - 2027 và 4,4% từ năm 2028 - 2030. Một quỹ xã hội vì khí hậu sẽ được lập để hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và những người lái xe dễ bị tổn thương nhất đối phó với tác động của thị trường mua bán phát thải của EU.
Thỏa thuận trên vẫn cần được Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu chính thức thông qua.