Luật sư của EU, ông Rafael Jafferali, ngày 26/5 tuyên bố tại một tòa án ở Brussels rằng Ủy ban châu Âu (EC) muốn AstraZeneca phải trả mức phạt 10 euro/liều/ngày nếu hãng này không cung cấp cho EU 20 triệu liều vaccine bổ sung vào cuối tháng 6. Ngoài ra, AstraZeneca phải bồi thường thêm ít nhất 10 triệu euro mỗi lần vi phạm hợp đồng. Ông nhấn mạnh công ty “thậm chí không cố gắng tôn trọng hợp đồng” với EU.
Yêu cầu bồi thường này là một phần trong vụ kiện của EC nhằm buộc AstraZeneca phải cung cấp 90 triệu liều vaccine trong quý 2 năm nay thay vì 70 triệu liều theo kế hoạch hiện tại. Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến giữa EU và AstraZeneca xung quanh việc chậm thực hiện hợp đồng cung cấp 300 triệu liều vaccine giữa hai bên.
Trong đơn kiện, EU cho biết AstraZeneca phải giao thêm 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trước tháng 7, song hãng dược phẩm này không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng, khi chỉ giao 1/4 tổng số liều đã cam kết chuyển giao trong quý đầu tiên của năm 2021. EU đặt thời hạn chót việc thực hiện hợp đồng này là vào giữa tháng 6 và nếu không đáp ứng được thời hạn trên, AstraZeneca sẽ phải đối mặt với các án phạt tài chính
EU cũng cho rằng AstraZeneca lẽ ra phải bù đắp việc thiếu nguồn cung bằng cách sử dụng 50 triệu liều vaccine từ các cơ sở sản xuất khác. Gần 40 triệu liều vaccine cúa AstraZeneca hiện được sản xuất tại Anh và phần lớn phần còn lại được sản xuất tại Mỹ.
EU cũng tỏ ra không hài lòng vì AstraZeneca có thể thực hiện tốt hợp đồng với Anh, song giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot nói rằng hợp đồng ban đầu giữa chính phủ Anh và đại học Oxford- trước khi AstraZeneca trở thành đối tác, bao gồm quyền tiếp cận ưu tiên đối với vaccine được sản xuất tại các cơ sở tại Anh. AstraZeneca cũng khẳng định đã làm mọi cách để mở rộng quy mô sản xuất và nỗ lực hết sức để hoàn thành tiến độ giao hàng cho EU theo hợp đồng.
Việc có thêm 20 triệu liều bổ sung từ AstraZeneca sẽ không tạo ra nhiều khác biệt trong chương trình tiêm chủng đang tăng tốc của EU, song sẽ là bước đệm để khối này hoàn thành mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số trưởng thành (khoảng 255 triệu người) vào tháng 7. Các quan chức EU cho rằng các liều vaccine AstraZeneca bổ sung có thể đến từ Mỹ, nơi vaccine này vẫn chưa được chấp thuận sử dụng, hoặc từ một địa điểm sản xuất quốc tế khác như Trung Quốc.
Tòa án Bỉ dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện vào tháng tới.
AstraZeneca hiện vẫn là nhà cung cấp vaccine lớn thứ hai của EU sau BioNTech/Pfizer. Không giống các công ty đối thủ, AstraZeneca cung cấp vaccine trên cơ sở phi lợi nhuận trong suốt thời gian diễn ra đại dịch.