Trước đó, hồi tháng 10, lần đầu tiên trong lịch sử, Ủy ban châu Âu (EC) đã bác bỏ dự thảo ngân sách của Italy với lý do chi tiêu quá nhiều, vi phạm các quy định tài chính của EU. Italy đã phải sửa đổi kế hoạch ngân sách 2019, điều chỉnh giảm mục tiêu thâm hụt từ mức 2,4% xuống còn 2,04%.
Phát biểu tại họp báo ở Brussels, Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho biết: "Các cuộc thảo luận tăng cường trong nhiều tuần qua đã đi tới một giải pháp cho năm 2019".
Theo ông Dombrovskis, giải pháp này "chưa phải là lý tưởng", song trước mắt đã tránh được nguy cơ phải áp dụng các quy định trừng phạt khi thâm hụt lên tới 0,2% GDP.
Theo thỏa thuận, Italy đã chấp nhận rút lại các biện pháp quan trọng nhất trong dự thảo (gồm áp dụng một mức thu nhập cơ bản cho tất cả mọi người và tăng lương lương hưu cho người có thu nhập thấp), và cam kết không làm tăng thêm khối nợ công khổng lồ 2.000 tỷ hiện nay của mình. Đổi lại, Brussels đã đề xuất một cách tính toán ngân sách mềm dẻo hơn có tính đến "bối cảnh đặc biệt", trong đó có hiện đại hóa cơ sở hạ tầng sau thảm họa sập cầu ở Genoa hồi tháng 8 vừa qua.
Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Pierre Moscovici tuyên bố: "Thỏa thuận trên là chiến thắng của đối thoại trước đối đầu".
Vấn đề ngân sách đã trở thành chủ đề gây căng thẳng giữa EU và chính phủ theo chủ nghĩa dân túy ở Italy từ hồi cuối tháng 9 vừa qua. EU kêu gọi các quốc gia trong khối siết chặt chi tiêu công để giảm thâm hụt ngân sách. Về phần mình, Italy đã nhiều lần kêu gọi EU linh hoạt hơn đối với kế hoạch ngân sách do nước này phải chi nhiều tiền để khắc phục hậu quả đợt thiên tai mới đây, cũng như vụ sập cầu tại Genoa.