Phát biểu của ông Maros Sefcovic - người đứng đầu Chính sách xanh của EC- được đưa ra trong bối cảnh EU những tháng gần đây phải đối mặt với sự phản đối của một số quốc gia thành viên và nhóm nghị sĩ châu Âu đối với các chính sách xanh của liên minh. Ba Lan đang kiện Brussels ra tòa về chính sách khí hậu mà Vacsava cho rằng sẽ làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội, trong khi các nghị sĩ châu Âu theo đường lối trung hữu đang vận động để phản đối luật mới của EU về bảo vệ thiên nhiên. Trong khi đó, sáng kiến trợ cấp năng lượng sạch quy mô lớn của Mỹ làm dấy lên mối lo ngại các nhà đầu tư có thể muốn rời khỏi châu Âu.
Ông Sefcovic đề nghị EU tổ chức đàm phán giữa các công ty sản xuất năng lượng sạch và các ngành công nghiệp hiện cần mua khối lượng năng lượng carbon thấp. Một nỗ lực tương tự có thể được thực hiện để kết nối các nhà sản xuất thép và xi măng với các công ty có kế hoạch sản xuất hydro carbon thấp. Ông cho rằng Brussels cũng nên gặp gỡ các ngành công nghiệp năng lượng sạch để thảo luận về cách tạo điều kiện tiếp cận tài chính.
Ông Sefcovic cho rằng việc châu Âu phải đối mặt với một mùa Hè cháy rừng kỷ lục và những đợt nắng nóng và lũ lụt là “những tín hiệu đáng lo ngại” về những hậu quả sẽ xảy ra nếu các quốc gia không giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu.
EU có chính sách chống biến đổi khí hậu tham vọng nhất thế giới. Brussels đã yêu cầu chính phủ các nước thành viên EU sử dụng tiền của khối này để hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương đầu tư chuyển đổi sang năng lượng sạch để giảm thiểu chi phí về năng lượng, cũng như tình trạng ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe. EU đã xây dựng "quỹ chuyển đổi công bằng" trị giá 17,5 tỷ euro (hơn 18,9 tỷ USD) để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng do việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là hỗ trợ đào tạo lại lao động.
EU cũng đang bổ nhiệm một ủy viên mới người Hà Lan, người dự kiến sẽ trực tiếp quản lý các chính sách về biến đổi khí hậu của EU và là nhà đàm phán cho khối này tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) vào tháng 11 tới.
Liên quan vấn đề trên, tổ chức nghiên cứu khí hậu Ember Climate ngày 29/8 công bố báo cáo cho biết trong nửa đầu năm nay, sản lượng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch của EU đã giảm xuống mức thấp kỷ lục và các nguồn năng lượng xanh đang bù đắp khoảng trống.
Sự sụt giảm sản lượng điện từ than đá và khí đốt của EU là do tiêu thụ điện giảm 4,6% trong bối cảnh giá khí đốt và điện tăng cao sau khi Nga cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu năm ngoái, khiến các ngành công nghiệp và người tiêu dùng hạn chế sử dụng năng lượng.
Báo cáo của Ember nêu rõ trong nửa đầu năm nay, sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch ở 27 quốc gia thành viên EU đã giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Than đá - nhiên liệu hóa thạch thải ra nhiều CO2 nhất - có mức giảm mạnh nhất. Riêng trong tháng 5 vừa qua, sản xuất điện từ than đá đã giảm 23%, lần đầu tiên chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng điện của EU.
Trong nửa đầu năm nay, nhiên liệu hóa thạch chiếm 33% nhiên liệu sản xuất năng lượng tại EU, tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận dựa trên dữ liệu được theo dõi từ năm 1990. Mức giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhiều nhất so với cùng kỳ năm 2022 là 30%, ghi nhận tại các nước Bồ Đào Nha, Áo, Bulgaria, Estonia và Phần Lan.
Tuy vậy, nghiên cứu của Ember Climate cảnh báo nhu cầu giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện nay là “không bền vững hoặc chưa như mong muốn”. Chuyên gia phân tích Matt Ewen của Ember Climate nhấn mạnh, với nhu cầu dự kiến sẽ tăng trong tương lai, việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn thay thế cần phải diễn ra nhanh hơn.
Theo nghiên cứu của Ember Climate, sản lượng điện Mặt trời của EU đã tăng 13% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2022, trong khi năng lượng gió tăng khiêm tốn 4,8%. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay mức tăng năng lượng sạch vẫn không đủ để bù đắp khoảng trống do sự sụt giảm nhiên liệu hóa thạch. Do vậy, chuyên gia Ewen nhấn mạnh "cần thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt về năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, để củng cố sức chống chịu của nền kinh tế châu Âu".