Đây là bằng chứng cho thấy nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc mở các thỏa thuận thị trường với các nước châu Á đang có tốc độ tăng trưởng cao.
Khoảng 2/3 số nghị sĩ EP đã bỏ phiếu ủng hộ FTA, văn kiện sẽ có hiệu lực trong vài tháng tới, cũng như một thỏa thuận liên quan về cách giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các quốc gia.
EU và Singapore đã mất 9 năm để đàm phán ký kết thỏa thuận. Các cuộc đàm phán kết thúc năm 2014, song khi đó đang xảy ra các cuộc biểu tình phản đối các thỏa thuận thương mại khác, đặc biệt là thỏa thuận được lên kế hoạch với Mỹ, khiến FTA với Singapore cũng bị đưa lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) xem xét trước khi có hiệu lực. Phán quyết của tòa đã chia văn kiện trên làm hai: phần thương mại tự do, và một thỏa thuận riêng rẽ về bảo vệ đầu tư - vốn phải được cơ quan lập pháp của tất cả các thành viên EU phê chuẩn.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết: "Đây là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên của EU với một quốc gia Đông Nam Á, tạo nền tảng hướng tới một quan hệ gần hơn giữa châu Âu với một trong các khu vực năng động nhất thế giới".
FTA với Singapore sẽ theo sau một thỏa thuận lớn hơn mà EU đã khởi động từ đầu tháng 2 với Nhật Bản, và sẽ là thỏa thuận đầu tiên của EU với một thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). EU cũng có một thỏa thuận với Hàn Quốc và quan tâm đến một thỏa thuận thương mại với toàn khối ASEAN sau khi các cuộc đàm phán bị đình trệ từ năm 2009. Trong khi đó, EU đã ký một thỏa thuận với Việt Nam, đang đàm phán với Indonesia và đã đàm phán với ba nước thành viên khác của ASEAN.
EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Singapore về hàng hóa và là đối tác lớn nhất về dịch vụ. Đối với EU, Singapore xếp thứ 14 trong các đối tác thương mại hàng hóa và xếp thứ tư về thương mại dịch vụ. Hơn 10.000 công ty có trụ sở tại EU đã sử dụng Singapore như một trạm trung chuyển tới Đông Nam Á. Thỏa thuận FTA mới ký sẽ dẫn tới việc dỡ bỏ các khoản thuế của EU đối với hàng hóa của Singapore trong 5 năm và dỡ bỏ một số thuế hải quan của Singapore đối với hàng xuất khẩu của EU.
Theo thỏa thuận trên, Singapore sẽ công nhận các tiêu chuẩn của EU và các xét nghiệm an toàn đối với đồ điện tử, dược phẩm hoặc phụ tùng ô tô. Singapore cũng sẽ mở cửa lĩnh vực dịch vụ như vận tải và viễn thông cho các doanh nghiệp châu Âu, và châu Âu cũng sẽ được tiếp cận tốt hơn với các hợp đồng cung ứng cho Chính phủ Singapore trị giá 20 triệu euro/năm. Một nghiên cứu của EC ước tính FTA với Singapore sẽ đem lại cho nền kinh tế EU khoảng 550 triệu euro trong 10 năm.