Phát biểu trước báo giới về động thái này, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic thông báo các thủ tục tố tụng sẽ bắt đầu từ ngày 20/10. Chi tiết về các hành động pháp lý sẽ được công bố cùng ngày.
Ông Sefcovic nhấn mạnh EC đã bày tỏ lo ngại sâu sắc với các quốc gia thành viên có liên quan về những sơ hở trong các chương trình đầu tư này, và những diễn biến mới đây tái khẳng định mối quan ngại. Ủy ban sẽ tiếp tục làm việc với Cyprus và Malta để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật trong khu vực.
Tháng 8 vừa qua, đài Al Jazeera (Qatar) công bố kết quả cuộc điều tra bí mật cho thấy chương trình đầu tư nhận quốc tịch (CIP) của Cyprus có sơ hở để các đối tượng phạm tội lợi dụng. Theo đó, các cuộc điều tra đã phát hiện hàng chục hồ sơ xin quốc tịch theo chương trình này là các cá nhân đang bị khởi tố hoặc là tội phạm quốc tế hay thậm chí là đang thi hành án tù.
Tuần trước, chính quyền Cyprus thông báo bắt đầu từ ngày 1/11 sẽ từ bỏ chương trình vốn mang lại cho quốc đảo này thu nhập khoảng 7 tỷ euro (8,25 tỷ USD). Theo chương trình CIP, chính phủ nước này sẽ cấp hộ chiếu cho người nước ngoài để đổi lấy khoản đầu tư 2,5 triệu euro. Hiện Nicosia đang xem xét lại toàn bộ 4.000 trường hợp thuộc diện này được cấp hộ chiếu từ trước đến nay.
Malta bắt đầu cơ chế "bán" hộ chiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài từ năm 2014. Theo đó, các nhà đầu tư có thể được cấp hộ chiếu nếu họ đóng góp 756.000 USD cho quỹ phát triển quốc gia, đầu tư 174.000 USD vào cổ phiếu hoặc trái phiếu được chính phủ phê duyệt hoặc mua bất động sản tối thiểu 407.000 USD và cam kết cư trú ít nhất 5 năm.
Tháng trước, nhà chức trách nước này đã bắt giữ Chánh văn phòng của cựu Thủ tướng Joseph Muscat để điều tra việc bị cáo buộc có hành vi "lại quả" liên quan đến chương trình mua bán hộ chiếu vàng.
Ngoài Cyprus và Malta, 2 nước thành viên EU khác là Bulgaria và Bồ Đào Nha cũng cung cấp hộ chiếu và 12 quyền định cư thương mại thông qua chương trình "hộ chiếu vàng.".