Theo một bản báo cáo mà trang tin The Intercept có được hôm 21/2, lực lượng cảnh sát quốc gia của 10 nước thành viên EU đang kêu gọi khung pháp lý chung để tạo ra một hệ thống khổng lồ liên kết cơ sở dữ liệu nhận diện khuôn mặt sớm nhất có thể.
Australia đang dẫn đầu dự án này – vốn còn trong giai đoạn đầu hồi tháng 11/2019 khi bản báo cáo được lưu hành giữa các quan chức EU.
Là một phần của dự án mở rộng Prüm – hệ thống tham chiếu chéo cơ sở dữ liệu khắp châu Âu cho phép cùng lúc dò quét ADN, dấu vân tay và đăng ký sở hữu phương tiện của một cá nhân – bản báo cáo kêu gọi giới lập pháp EU tạo ra và kết nối các cơ sở dữ liệu nhận diện khuôn mặt cấp quốc gia, có tiềm năng liên kết với Mỹ.
Mỹ vốn có hoạt động trao đổi thông tin tương tự Prüm với một số quốc gia nằm trong chương trình miễn thị thực Visa Waiver Program, bao gồm hầu hết các nước thành viên EU. Một số người – trong đó có quan chức EU tình nghi là người tiết lộ bản báo cáo với trang Intercept – tin rằng bất kỳ hệ thống cơ sở dữ liệu nhận diện khuôn mặt tương lai này có thể sẽ mặc định bao gồm cả Mỹ.
Brussels đang rót các nguồn lực quan trọng vào kế hoạch kể trên, liên quan đến cả lĩnh vực tư nhân và công cộng. Năm ngoái, hãng cố vấn Deloitte đã được trả 700.000 euro để báo cáo về các hình thức nâng cấp đối với Prüm, trong đó chú trọng vào phần nhận diện khuôn mặt trong điều tra tội phạm tại toàn bộ các nước thành viên châu Âu. Mục tiêu của dự án nhằm hướng tới một hệ thống trao đổi dữ liệu khuôn mặt trong tương lai.
Tháng 4/2019, giới lập pháp đã hợp nhất 5 cơ sở dữ liệu của EU lưu trữ dấu vân tay, hình ảnh khuôn mặt và dữ liệu sinh trắc học khác để tạo ra một kho thông tin duy nhất về 300 triệu công dân ngoài EU.
Trong khi Deloitte gợi ý EU thực hiện tương tự với cơ sở dữ liệu nhận diện khuôn mặt của cảnh sát trong bản báo cáo hồi tháng 11, các quan chức thi hành pháp luật dường như đã chần chừ. Tuy nhiên, việc liên kết cơ sở dữ liệu khuôn mặt giữa các quốc gia khác nhau với hệ thống kiểm tra chéo giống Prüm cuối cùng sẽ có tác động tương tự về quyền riêng tư như khi hợp nhất chúng.
Bởi lẽ, Bộ An ninh Nội địa Mỹ từng yêu cầu những thành viên trong chương trình Visa Waiver Program phải chấp nhận thỏa thuận chia sẻ dữ liệu từ năm 2015. Bất kỳ cơ sở dữ liệu nhận diện khuôn mặt nào được xây dựng trong thời gian tới đều có thể phải chia sẻ nội dung với Mỹ. Đó chính là điều Washington thuyết phục Brussels từ năm 2001 khi hai bên đàm phám về thỏa thuận chia sẻ dữ liệu cá nhân và dữ liệu phân tích giữa cơ quan điều tra Europol và các cơ quan thi hành pháp luật Mỹ.
Tuy vậy, quá trình triển khai nhận diện khuôn mặt tại châu Âu không được suôn sẻ. Những nỗ lực để triển khai công nghệ này như một công cụ trị an tại Scotland đã bị trì hoãn hồi đầu tháng 2, sau khi một hội đồng quốc hội đánh giá nó không khả thi bởi những lo ngại về nhân quyền.
Tại London, một chương trình thí điểm công nghệ nhận diện dự kiến được bắt đầu vào tháng này, bất chấp sự chỉ trích gay gắt từ các nhóm tự do dân sự. Trước đó, một chương trình tương tự của London đã bị tuyên bố là thất bại vào tháng 1 năm ngoái.
Bản thân nước Mỹ cũng gặp phải một số trở ngại trên chặng đường trở thành một quốc gia giám sát người dân trên công nghệ nhận diện khuôn mặt. Tháng 12/2019, Bộ An ninh Nội địa đã hủy chương trình yêu cầu toàn bộ người dân Mỹ phải nộp lại hình ảnh quét khuôn mặt bắt buộc tại sân bay sau khi xuất hiện các lo ngại về cả vấn đề quyền riêng tư lẫn tính hiệu quả của công nghệ trên.
Trong khi đó, Mỹ đang mở rộng và củng cố cơ sở dữ liệu sinh trắc học của riêng nước này, song song với chương trình Prüm của EU. Tháng 6 năm ngoái, Bộ An ninh Nội vụ Mỹ đã bổ sung hồ sơ ADN và các “kiểu mẫu mối quan hệ” trên mạng xã hội vào Hệ thống công nghệ nhận dạng nâng cao Homeland (HART), đưa cơ sở dữ liệu hiện có - bao gồm dấu vân tay, quét mống mắt và nhận dạng khuôn mặt - lên đám mây Amazon, nơi hầu hết các cơ quan chính phủ Mỹ khác lưu trữ dữ liệu.