Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết số tiền trên được huy động thông qua việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm nhằm tài trợ cho quỹ phục hồi mang tên EU Thế hệ tiếp theo. Lãi suất của đợt phát hành đầu tiên này là 0,1%. Đây là đợt phát hành trái phiếu lớn nhất từ trước đến nay ở châu Âu. Đến cuối năm nay, EU dự kiến sẽ phát hành trái phiếu và tín phiếu với giá trị 100 tỷ euro. Biện pháp này sẽ cung cấp nguồn tài chính cho các khoản tài trợ và cho vay theo kế hoạch dành cho các quốc gia thành viên EU trong năm nay.
Theo kế hoạch, Chủ tịch Von der Leyen sẽ tới Bồ Đào Nha trong tuần này để khởi động quy trình phê duyệt của EC đối với các kế hoạch được các quốc gia thành viên đệ trình nhằm đảm bảo nhận được các khoản tài trợ.
Đối mặt với đại dịch COVID-19 hồi năm ngoái, EU đã đưa ra quyết định lịch sử là gộp nợ chung - được chia sẻ giữa các thành viên EU nhằm giảm chi phí đi vay cho các thành viên yếu hơn - để tài trợ cho gói phục hồi trị giá gần 700 tỷ euro. Trong gói hỗ trợ này, 500 tỷ euro sẽ được chi dưới dạng tài trợ cho các nước và 250 tỷ euro dưới dạng các khoản tín dụng. Trong 500 tỷ euro trên, 310 tỷ euro sẽ được đầu tư vào các hoạt động chuyển đổi kinh tế số và kinh tế xanh. EU hy vọng khi sản lượng của châu Âu tăng lên sau một năm thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19 và phong tỏa, quỹ phục hồi trên sẽ thúc đẩy một đợt chi tiêu vào các tòa nhà cách nhiệt, giao thông đường sắt, điểm sạc xe điện và Internet tốc độ cao. Mỗi kế hoạch quốc gia phải phân bổ ít nhất 37% các khoản tài trợ cho các biện pháp cải thiện môi trường hoặc chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, 20% khác trong các khoản tài trợ này sẽ phục vụ cho quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế kỹ thuật số.
Trước đó, trong cuộc họp diễn ra ngày 10/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục và không điều chỉnh chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 1.850 tỷ euro (khoảng 2.200 tỷ USD) theo chương trình khẩn cấp trong đại dịch (PEPP), nhằm giữ chi phí đi vay ở mức thấp, qua đó thúc đẩy chi tiêu và đầu tư. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang vật lộn với làn sóng dịch bệnh COVID-19. Sau cuộc họp, Chủ tịch ECB Lagarde Lagarde cho rằng vẫn còn "quá sớm" để thảo luận về việc thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục hỗ trợ để củng cố đà phục hồi kinh tế, nhấn mạnh duy trì dòng tiền "giá rẻ" trong suốt cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 vẫn là điều cần thiết để giảm bớt sự bất ổn kinh tế và củng cố lòng tin.