Các Bộ trưởng Nội vụ của EU sẽ chính thức hóa quyết định bác bỏ trên tại một hội nghị ở Brussels ngày 7/3 tới.
Một dự thảo tuyên bố, sẽ được các Bộ trưởng thông qua trong cuộc họp tới, nêu rõ chính phủ các nước EU "không thể ủng hộ đề xuất hiện nay". Nhiều nhà ngoại giao EU than phiền rằng cách thức EC soạn thảo danh sách trên không rõ ràng và có thể dễ vướng phải các thách thức pháp lý. Dự thảo tuyên bố cũng cho biết danh sách đen "không được lập ra một cách minh bạch" và ảnh hưởng đến quyền quyết định của các quốc gia cũng như quyền được lắng nghe của họ.
Danh sách gây tranh cãi trên cũng đã phải đối mặt với sự phẫn nộ của Quốc vương Saudi Arabia Salman. Ông đã viết một bức thư phản đối gửi tới các lãnh đạo châu Âu. Bức thư nhấn mạnh việc đưa vương quốc vùng Vịnh này vào danh sách trên là động thái "ngạc nhiên và bất ngờ", đồng thời cảnh báo rằng hành động trên sẽ gây phương hại tới "các dòng vốn đầu tư và thương mại giữa vương quốc này với EU".
Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland gọi danh sách trên là "hành động giáo điều", và bày tỏ tức giận vì các vùng lãnh thổ của Mỹ như đảo Guam, Puerto Rico, Samoa và quần đảo Virgin cũng xuất hiện trong danh sách.
Theo đề xuất của EC, các quốc gia mới - bao gồm cả Panama - cũng như 16 quốc gia khác từng nằm trong danh sách này đã làm quá ít để ngăn chặn hoạt động tài trợ cho khủng bố và tội phạm có tổ chức.
Các nước đã nằm trong danh sách trước gồm Iran, Iraq, Pakistan, Ethiopia... Tuy nhiên, việc bị nêu tên trong danh sách trên không đi kèm với các biện pháp trừng phạt. Các ngân hàng châu Âu sẽ siết chặt kiểm soát đối với mọi giao dịch với các khách hàng và thể chế của các quốc gia này.