Trong một tuyên bố, ông Borrell nhấn mạnh EU rất quan ngại trước những thông tin về các hoạt động quân sự đang tiếp diễn tại Nagorny-Karabakh, trong đó có gây thương vong cho dân thường. Các nước thành viên EU kêu gọi các bên xung đột đảm bảo tôn trọng đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 10/10. Ông Borrell cũng thúc đẩy các bên tham gia các cuộc đàm phán thực chất và không bị trì hoãn dưới sự trung gian của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Cùng ngày, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết nước này, một trong những nước đồng Chủ tịch Nhóm Minsk thuộc OSCE, đang phối hợp nỗ lực giải quyết cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh. Phát biểu trên đài Franceinfo, ông Beaune cho biết Pháp đang phối hợp hành động với EU trong khuôn khổ Nhóm Minsk và lập trường của nước này là kêu gọi chấm dứt "hành động thù địch" tại Nagorny-Karabakh. Hiện Pháp đang duy trì liên lạc trực tiếp với cả hai bên xung đột là Armenia và Azerbaijan, cũng như các bên liên quan trong vấn đề này.
Trong cuộc điện đàm ngày 11/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng đã trao đổi quan điểm về diễn biến tình hình tại khu vực xung đột Nagorny-Karabakh, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ đầy đủ tất cả các quy định trong tuyên bố chung do các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, Azerbaijan và Armenia đưa ra. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Moskva sẵn sàng tiếp tục thực hiện các nỗ lực hòa giải nhằm giải quyết xung đột tại Nagorny-Karabakh "phù hợp với các điều khoản trong Tuyên bố Moskva".
Trước đó, trong cuộc tham vấn tổ chức ngày 9/10 tại Moskva theo sáng kiến của Nga, Azerbaijan và Armenia đã đồng ý ngừng bắn từ ngày 10/10 vì mục đích nhân đạo nhằm trao đổi tù binh và thi thể những người thiệt mạng. Tuy nhiên, ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận.
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.