EU soạn thảo tuyên bố chung đáp trả thông điệp của ông Putin

Liên minh châu Âu (EU) sẽ bảo vệ sự thống nhất và các thành viên của liên minh này sẽ không tiến hành đàm phán song phương với Moskva, Thủ tướng Ba Lan ngày 14/4 nói.

Các nước EU đang soạn thảo một tuyên bố chung để phản ứng với lá thư của Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề nợ mua khí đốt của Ukraine gửi cho 18 nhà lãnh đạo châu Âu. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khẳng định điều này trong khi tới thăm căn cứ không quân chiến thuật số 32 ở thị trấn Lask (Ba Lan).

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Ảnh: Itar-tass


"Điều quan trọng với chúng tôi là EU đóng vai trò như một lực lượng thống nhất, và chúng tôi rất hài lòng khi nhận được thông tin rằng tất cả các đối tác châu Âu ủng hộ việc đưa ra một phản ứng chung, nhưng không đàm phán song phương", ông Tusk nói.
 
Thông điệp trong thư của Tổng thống Putin

Về tình hình ở miền đông Ukraine hiện nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang theo dõi với sự cảnh giác cao, Thư ký báo chí của Tổng thống Dmitry Peskov ngày 14/4 cho biết.


Ngày 10/4, do cuộc khủng hoảng ở Ukraine trở nên nghiêm trọng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thư tới 18 nhà lãnh đạo châu Âu, vốn là các quốc gia đang mua khí đốt tự nhiên của Nga. Trong thông điệp của mình, Tổng thống Nga đã giải thích về việc Kiev đang nợ một khoản tiền mua khí đốt của Nga mà khó có khả năng thanh toán.

Trong thư, ông chủ điện Kremlin cho biết, hóa đơn mua khí đốt mà Ukraine chưa thanh toán ở mức 17 tỷ USD kèm theo khoản tiền phạt 18,4 tỷ USD vì vi phạm hợp đồng năm 2009. Như vậy tổng số tiền mà Ukraine nợ Nga vào khoảng 35,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, Nga cũng nắm lượng trái phiếu chính phủ trị giá 3 tỷ USD của Ukraina. Trong khi đó, gói cứu trợ mà IMF dành cho Ukraine là khoảng 14 - 18 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với khoản tiền mà Kiev nợ Moscow.


Nếu Ukraine không trả khoản nợ, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sẽ buộc phải chuyển sang chế độ cung cấp khí đốt dựa trên hoạt động thanh toán trước hoặc chấm dứt hoàn toàn hợp đồng khí đốt tự nhiên. Ông Putin cũng kêu gọi các đối tác châu Âu tham gia tham vấn cấp bộ trưởng để giúp nền kinh tế Ukraine thoát khỏi tình trạng đổ vỡ.

Những yêu cầu chính trị với Nga

Về phần mình Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt đã đưa ra 3 yêu cầu đối với Moskva liên quan đến tình hình Ukraine và đe dọa trừng phạt kinh tế với Nga.

"Đầu tiên, Nga nên hủy bỏ việc sử dụng lực lượng quân sự; thứ hai, không liên quan đến các nhóm vũ trang chiếm các tòa nhà ở một số thành phố phía đông Ukraine và thứ ba, Nga nên rút quân khỏi biên giới Ukraine", ông Bildt cho biết.

Bộ trưởng Thụy Điển khẳng định rằng việc từ chối tuân thủ các yêu cầu này sẽ dẫn đến các biện pháp trừng phạt cứng rắn của EU. "Nếu Moskva không làm điều đó, chúng tôi sẽ thực hiện các lệnh trừng phạt tiếp theo", ông Bildt lưu ý.




CT (Theo Itar-tass)
Toàn văn thư Tổng thống Putin gửi lãnh đạo EU: Quân tử và ngụy quân tử
Toàn văn thư Tổng thống Putin gửi lãnh đạo EU: Quân tử và ngụy quân tử

Ngày 14/4, hãng tin Itar-Tass đã cho đăng tải toàn văn bức thư Tổng thống Putin gửi 18 lãnh đạo các nước châu Âu hôm 10/4, đề cập đến cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN