Động thái mới này của Liên minh châu Âu (EU) là bước tiếp theo nhằm cụ thể hóa những biện pháp trừng phạt trong khuôn khổ Nghị quyết số 2321 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) được thông qua ngày 30/11/2016 sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 9/2016 của Bình Nhưỡng.
Người dân Triều Tiên theo dõi vụ phóng thử tên lửa đất đối đất tầm trung Pukguksong-2 qua phương tiện truyền thông công cộng ở Bình Nhưỡng ngày 13/2. Ảnh:AFP/TTXVN |
Các biện pháp trừng phạt mới bao gồm hạn chế giao dịch than, sắt và khoáng sản sắt cùng lệnh cấm nhập khẩu đồng, niken, bạc, kẽm và tượng đến từ Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt cũng bao gồm lệnh cấm xuất khẩu máy bay trực thăng và tàu thủy tới Triều Tiên. Việc tăng cường các biện pháp trừng phạt cũng có hiệu lực đối với các lĩnh vực giao thông và tài chính, như cấm phái đoàn ngoại giao và các nhà ngoại giao Triều Tiên sở hữu hơn một tài khoản ngân hàng tại các nước thuộc EU, đồng thời hạn chế nước này sở hữu các bất động sản tại EU.
Văn bản của EU cũng để ngỏ khả năng các nước thành viên sẽ đưa ra các biện pháp bổ sung để ngăn chặn các công dân Triều Tiên nhận được sự đào tạo trong những chuyên ngành có khả năng phục vụ cho chương trình hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo của nước này và ngừng hợp tác khoa học kỹ thuật với các tổ chức, cá nhân được Triều Tiên tài trợ hoặc đại diện cho quyền lợi của Triều Tiên, trừ các trao đổi trong lĩnh vực y tế. Các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra đã tính đến việc giảm thiểu các hậu quả tiêu cực về nhân đạo ảnh hưởng đến dân thường của nước này, nhất là về mục đích nhân đạo.
Hiện Triều Tiên đang phải đối mặt với 6 lệnh trừng phạt của LHQ kể từ khi lần đầu tiên thử hạt nhân năm 2006. Trong năm 2016, Triều Tiên đã 2 lần thử hạt nhân và liên tiếp thử tên lửa bất chấp các lệnh trừng phạt. Vụ phóng thử tên lửa ngày 12/2 vừa qua là vụ phóng đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Sau cuộc họp khẩn, HĐBA đã ra tuyên bố lên án vụ phóng, đồng thời cảnh báo áp dụng thêm "những biện pháp trừng phạt cứng rắn" đối với Bình Nhưỡng.