Lãnh đạo cấp cao các nước EU sẽ đánh giá những biện pháp đã được triển khai nhằm kiểm soát làn sóng nhập cư trên tất cả các ngả vào châu Âu, đồng thời đưa ra các biện pháp bổ sung cần thiết để hỗ trợ các nước thành viên ở những vị trí cửa ngõ ra vào châu Âu. Trong 3 tháng qua, làn sóng người nhập cư bất hợp pháp qua ngả trung Địa Trung Hải đã giảm 64% so với cùng kỳ năm 2016.
Các nước thành viên EU quan tâm đến việc tăng cường hợp tác với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn và Tổ chức Di trú Thế giới, cũng như với các nước là nơi xuất phát của dòng người di cư, các quốc gia trung chuyển trong cuộc chiến chống nạn buôn người. Ngoài ra, Hội đồng châu Âu cũng sẽ đưa ra yêu cầu về thực hiện cải tổ về chính sách tị nạn chung tại châu Âu.
Dựa trên kết quả làm việc của Hội nghị thượng đỉnh kỹ thuật số diễn ra tại Tallinn (Estonia) ngày 29/9, Hội đồng châu Âu sẽ xem xét cách thức để EU có thể nắm bắt những cơ hội mà công nghệ số hóa mang lại và khả năng đáp ứng trước các thách thức đang đặt ra. Các lãnh đạo EU cũng sẽ đánh giá việc triển khai thị trường kỹ thuật số chung, xây dựng hệ thống dữ liệu đánh thuế hiệu quả và một cách tiếp cận chung về an ninh mạng. Các đầu tư về nghiên cứu, phát triển và xử lý đối với những xu hướng mới nổi cũng được lãnh đạo các quốc gia thành viên EU khuyến khích.
Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) ngày 22/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Về quốc phòng, lãnh đạo các nước thành viên EU sẽ tiếp tục thảo luận về Cấu trúc hợp tác thường trực (PESCO) về quốc phòng trong nỗ lực nhằm khởi động hoạt động này trong thời gian từ nay đến cuối năm. Tại Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6, lãnh đạo các nước EU đã thống nhất về vai trò quan trọng của việc khởi động PESCO. Lãnh đạo các quốc gia châu Âu cũng sẽ kêu gọi đạt tiến bộ nhanh chóng cho Chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng của châu Âu (EDIDP) và khuyến khích sử dụng quỹ quốc phòng châu Âu.
Với các diễn biến sự kiện gần đây, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận một số vấn đề chính sách đối ngoại, nhất là quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và những diễn biến mới nhất liên quan đến việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên và Iran. Dù không nằm trong chương trình nghị sự chính thức, vấn đề liên quan đến cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập tại vùng tự trị Catalunya của Tây Ban Nha cũng sẽ được các lãnh đạo EU quan tâm.
Brexit là nội dung thu hút nhiều sự chú ý nhất trong hội nghị thượng đỉnh lần này. Theo kế hoạch, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ trình bày về chiến lược Brexit của London với lãnh đạo 27 nước thành viên EU trong khuôn khổ một bữa tối làm việc 19/10. Sau đó một ngày, khi bà May về nước, lãnh đạo các nước còn lại sẽ thảo luận về tình hình tiến triển của cuộc đàm phán về sự ra đi của nước Anh. Cho đến nay, 5 vòng đàm phán Brexit đã trôi qua mà không đạt được tiến bộ nào đáng kể, và nhiều bất đồng vẫn đang tồn tại trong những vấn đề then chốt liên quan đến quyền công dân, tương lai đường biên giới Ireland sau Brexit và đặc biệt là việc thanh toán các cam kết tài chính của nước Anh với ngân sách EU.