Trước đó, Tòa Hiến pháp Ba Lan trong tháng 7 và tháng 10 đã ra các phán quyết rằng một số điều khoản trong các hiệp ước của EU không tương thích với Hiến pháp nước này.
Thông báo của EC ngày 22/12 khẳng định: “Các phán quyết của Tòa án Hiến pháp Ba Lan vi phạm các nguyên tắc chung về tính ưu việt, hiệu quả và áp dụng đồng bộ của luật pháp Liên minh và tính ràng buộc của các phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ)”.
Trước động thái này của EC, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 22/12 đã lên tiếng chỉ trích và khẳng định diễn biến mới cho thấy “một xu hướng tập trung quan liêu đang diễn ra tại Brussels, và việc này cần phải chấm dứt”.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Morawiecki cho rằng EC đã diễn giải chưa đúng các quyền được trao cho mình, đồng thời cho rằng ngày càng nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thấy cần phải có một giới hạn đối với các thẩm quyền của EU.
Hành động pháp lý của EC là bước leo thang mới trong cuộc xung đột giữa Brussels với Vácsava trong lĩnh vực tư pháp, vấn đề đã khiến EU hoãn chi hàng tỷ euro từ quỹ phục hồi sau dịch COVID-19 cho Ba Lan.
Ba Lan sẽ có 2 tháng để hồi đáp thông báo chính thức của EC. Nếu EC không hài lòng với hồi đáp của Vácsava, cơ quan này có thể gửi Ba Lan một kiến nghị, yêu cầu nước này tuân thủ luật pháp EU - văn bản này cũng có thời hạn hồi đáp là 2 tháng. Sau thời gian này, EC có thể kiện Ba Lan ra ECJ, và tòa có thể áp đặt các mức phạt hằng ngày cho đến khi Vácsava tuân thủ kiến nghị. EC đã áp dụng hình thức phạt này với Ba Lan trong hai vụ kiện khác, với giá trị hiện đã lên tới 1,5 triệu euro/ngày.