Ba Lan đang có kế hoạch xây dựng một bức tường dọc biên giới với Belarus, chủ yếu để ngăn dòng người di cư từ Trung Đông và châu Á. Nhưng bức tường cũng sẽ chia cắt rừng Białowieża rộng lớn và cổ kính, một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, nơi sinh sống của hơn 12.000 loài động vật và những di sản của khu rừng nguyên sinh từng bao phủ hầu hết Châu Âu.
Các vùng biên giới như thế này cần được ưu tiên bảo tồn vì chúng thường có đa dạng sinh học và hệ sinh thái độc đáo nhưng trên thực tế lại ngày càng bị đe dọa bởi các công trình biên giới. Và bức tường biên giới mà Ba Lan lên kế hoạch xây dựng ở Białowieża được cho là mối nguy hiểm với khu rừng lâu đời nhất châu Âu.
Phần lõi của Białowieża đặc trưng là cánh rừng già có nhiều gỗ mục nát, trên đó có rêu, địa y, nấm, côn trùng. Các loài động vật lớn như bò rừng châu Âu, lợn rừng, linh miêu và chó sói sống thoải mái trong khu rừng vắt ngang qua biên giới.
Một bức tường sẽ ngăn cản sự di chuyển của những con vật này, chẳng hạn như ngăn gấu nâu quay lại phía Ba Lan, nơi gần đây chúng đã được phát hiện sau một thời gian dài vắng bóng. Bức tường cũng có nguy cơ xâm lấn hệ thực vật, bên cạnh việc ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng sẽ làm động vật hoang dã rời đi. Dòng người và xe cộ, rác thải tích tụ (chủ yếu là nhựa) cũng gây ra rủi ro ô nhiễm và bệnh tật. Chúng ta đã biết rằng con người có thể lây truyền COVID-19 cho các loài hoang dã, như hươu, nai.
Bức tường của Ba Lan sẽ cao 5,5 mét, kiên cố, với hàng rào thép gai ở trên, và sẽ thay thế hàng rào thép gai tạm cao 2,5m dài 130 km được xây dựng từ mùa Hè đến mùa Thu năm 2021. Chiều cao của bức tường đủ để ảnh hưởng đến các loài chim bay thấp như gà gô.
Bức tường đề xuất của Ba Lan giống với bức tường biên giới Mỹ-Mexico. Nghiên cứu dựa trên những camera ghi hình ở đó cho thấy rằng những bức tường như vậy ngăn cản con người ít hơn cản trở động vật hoang dã. Các loài động vật bị ảnh hưởng bởi hang rào Mỹ-Mexico bao gồm báo đốm Mỹ, cú lùn và những đàn bò rừng bị chia cắt trong hành trình tìm thức ăn và nước uống dọc biên giới.
Hiện tại, đã có nhiều hàng rào rải rác khắp châu Âu và không theo một tiêu chuẩn nào để giảm thiểu ảnh hưởng. Một hàng rào bằng dây thép gai, xây dựng vào năm 2015 bởi Slovenia dọc theo biên giới với Croatia, đã giết chết hươu và diệc với tỷ lệ tử vong là 0,12 động vật có móng guốc trên mỗi km hàng rào. Dọc theo biên giới Hungary-Croatia, tỷ lệ tử vong trong 28 tháng đầu tiên sau khi xây hàng rào cao hơn, ở mức 0,47 động vật móng guốc trên mỗi km. Các đàn hươu đỏ lớn ở khu vự hàng rào có thể lây lan dịch bệnh và dễ dàng bị sói bắt hơn.
Các rào cản vật lý như hàng rào và tường hiện đã trải dài 32.000 km đường biên giới trên toàn thế giới với sự gia tăng đáng kể trong vài thập kỷ qua. Theo một nghiên cứu gần đây, gần 700 loài động vật có vú hiện nay có thể gặp khó khăn khi di chuyển qua lại các quốc gia, cản trở sự thích nghi của chúng với biến đổi khí hậu. Sự phân mảnh của các quần thể và môi trường sống đồng nghĩa với việc giảm dòng gien trong các loài và khiến các hệ sinh thái kém phục hồi hơn.
Theo Viện Xuyên quốc gia, các quốc gia giàu có đang ưu tiên an ninh biên giới hơn hành động khí hậu, trái ngược với những cam kết được đưa ra tại COP26, như bảo vệ rừng của thế giới. Một số khu rừng trong số 257 khu rừng Di sản Thế giới hiện đang thải ra nhiều carbon hơn mức chúng hấp thụ, nhưng rừng Białowieża vẫn là một cảnh quan lành mạnh. Bức tường biên giới của Ba Lan sẽ khiến điều đó gặp rủi ro. Chưa kể tường biên giới còn khiến cho các hoạt động khoa học xuyên biên giới trở nên khó khăn hơn.
Đã đến lúc các nhà sinh học bảo tồn cần được lắng nghe, đặc biệt là khi đề cập đến vấn đề hàng rào biên giới. Khi biến đổi khí hậu đe dọa phá vỡ các đường biên giới và mô hình di cư của người dân và động vật hoang dã, chúng ta sẽ cần phải cải cách, không chỉ các chính sách và khuôn khổ, mà còn cả cách chúng ta nhận thức về biên giới.
Các bức tường biên giới - giống như lệnh cấm đi lại - không đồng bộ với sự đoàn kết toàn cầu và các hành động phối hợp mà chúng ta khẩn cấp cần để bảo vệ sự sống trên Trái đất.