Các chính trị gia tại châu Âu hiện vẫn chia rẽ ý kiến về đề xuất của Ủy ban châu Âu nhằm áp đặt tỷ lệ 40% nữ trong các hội đồng quản trị của các công ty.
Sự cân bằng giới trong các công ty từ lâu đã gây ý kiến bất đồng ở châu Âu. Một số chính khách và nghị sĩ châu Âu tin rằng việc tăng tỷ lệ nữ trong hội đồng quản trị công ty vẫn là “điều tối cần thiết” để đẩy nhanh sự tiến bộ hướng tới cân bằng giới trong hội đồng quản trị của các công ty. Elisabeth Morin-Chartier, chủ tịch Ủy ban về quyền của phụ nữ và bình đẳng giới thuộc Nghị viện châu Âu, cho biết bà thường phản đối việc áp đặt tỷ lệ này, nhưng thực tế là không có nhiều phụ nữ giữ những vị trí cao tại châu Âu hiện nay. Và theo bà, có thể coi sự cải thiện tình trạng này là điều hết sức cần thiết.
Tăng tỷ lệ nữ trong hội đồng quản trị công ty vẫn là “điều tối cần thiết”?Ảnh: Internet |
Theo Ủy ban châu Âu, ước tính tỷ lệ nữ trong hội đồng quản trị các công ty đã tăng từ 12,3% trong năm 2010 lên 22,3% trong năm 2012. Song không phải tất cả các nước đều nhiệt tình với việc có một điều luật về cân bằng giới.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cho biết, Béclin sẽ phản đối bất kỳ đề xuất nào của Liên minh châu Âu (EU) nhằm áp đặt một tỷ lệ nữ nhất định trong các hội đồng quản trị của các công ty tư nhân. Ông Westerwelle nhấn mạnh: “Đức sẽ không chỉ không chấp nhận một sự áp đặt như vậy, mà còn sẽ tích cực chống lại việc này”.
Cũng có một số ý kiến cho rằng, do những khác biệt mang tính dân tộc ở mỗi quốc gia cụ thể, bất kỳ quyết định nào về tỷ lệ cân bằng giới cần được đưa ra ở cấp quốc gia, chứ không phải ở cấp EU.
Tuy nhiên, Morin-Chartier, nghị sĩ trung hữu của Pháp, lại quan niệm vấn đề cân bằng giới “có giá trị trong việc hành động tại cấp độ toàn châu Âu”, bởi “đó là mối quan tâm thực sự của tất cả người dân châu Âu và được dựa trên những nguyên tắc cơ bản về công bằng và quyền bình đẳng”. Theo bà Chartier, EU cần trở thành “một hình tượng kiểu mẫu” đối với những nước khác trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, bà Marina Yannakoudakis, nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ của Anh, cho rằng việc áp đặt một hệ thống (cân bằng giới) theo kiểu hình thức là “chẳng có ích gì”, điều quan trọng là phải thực hiện theo cách tự nguyện. Theo bà, cần khuyến khích nhiều phụ nữ hơn tham gia hội đồng quản trị công ty trong khi cho các công ty có cơ hội lựa chọn”.
Bên cạnh vấn đề tỷ lệ giới trong hội đồng quản trị công ty, còn có sự khác biệt giữa mức lương được trả của nam giới và nữ giới trong những vị trí công việc tương đương. Theo những số liệu mới nhất của Ủy ban châu Âu, khoảng cách chênh lệch trong mức lương của nam giới và nữ giới trong EU là 16,2%. Các dữ liệu do Liên đoàn các Tổ chức Gia đình trong EU (COFACE) cũng cho thấy, trong khi phụ nữ thường giảm giờ làm sau khi sinh con thứ nhất thì nam giới lại có xu hướng làm thêm giờ một khi họ có con. Theo COFACE, mức chênh lệch giữa lương của phụ nữ sau khi sinh và nam giới có gia đình, con cái thường tăng đáng kể mỗi khi người phụ nữ sinh thêm con.
Evelyn Regner, nghị sĩ người Áo, nhận định vấn đề cân bằng giới sẽ là một thách thức, nhưng có ít nhất 30% nữ trong hội đồng quản trị công ty là “điều cần thiết để thay đổi toàn bộ cách làm việc và cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ. Con số này có thể tạo cho chúng ta mục đích tích cực để hướng tới”.q
Thái Vân (Phóng viên TTXVN tại Bỉ)