Tên lửa đạn đạo tầm trung Iran Zelzal tham gia duyệt binh tại một lễ kỷ niệm ở Tehran ngày 22/9.Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10 đã từ chối xác nhận Tehran tuân thủ JCPOA - một tín hiệu cho thấy "ông chủ" Nhà Trắng đang hướng tới cách tiếp cận cứng rắn hơn với Iran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) với cáo buộc "lực lượng này hỗ trợ các tổ chức khủng bố ở Trung Đông".
Động thái của Tổng thống Trump đồng nghĩa với việc trong 60 ngày tới, Quốc hội Mỹ sẽ quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận vốn đã được dỡ bỏ để đổi lại việc Iran hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân hay không.
Các đồng minh của Mỹ cũng như Nga và nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực nếu Washington hủy bỏ JCPOA hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đã được gỡ bỏ.
Trong khi đó, IRGC ngày 19/10 tuyên bố chương trình tên lửa đạn đạo của nước này sẽ được đẩy nhanh bất chấp áp lực từ Mỹ. IRGC nhấn mạnh: "Chương trình tên lửa đạn đạo của Iran sẽ được triển khai và sẽ tiếp tục với tốc độ nhanh hơn để đáp lại cách tiếp cận thù địch của ông Donald Trump đối với Lực lượng Vệ binh cách mạng".
Giới chuyên gia nhận định vẫn có thể duy trì được JCPOA ngay cả khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, bởi EU có đủ tầm ảnh hưởng về mặt kinh tế để thuyết phục Tehran tuân thủ thỏa thuận này.
Giám đốc trung tâm nghiên cứu Hội đồng Thông tin an ninh Anh-Mỹ (có trụ sở tại Mỹ) Paul Ingram cho rằng ngay cả khi Mỹ rút lui, một cơ chế kín 6 bên bao gồm EU, Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc có thể hỗ trợ Iran đủ để nước này tiếp tục duy trì và tuân thủ các nghĩa vụ của thỏa thuận.