Nỗ lực này xuất hiện tại thời điểm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị triển khai lực lượng đặc trách nhằm bảo đảm thực thi “hiệu quả” các lệnh trừng phạt đã được công bố sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Phối hợp xuyên Đại Tây Dương này còn hướng đến mục tiêu gây sức ép cho bên thứ ba có ý định tạo điều kiện cho thực thể và cá nhân người Nga che giấu tài sản, lách cấm vận của phương Tây.
Một trong những biện pháp mà giới chức EU đang thảo luận cách thức triển khai bản danh sách đen về chống rửa tiền nhằm vào các nước bị phát hiện trợ giúp Nga né trừng phạt. Tham vấn có đề cập đến việc liệu có đặt Nga vào danh sách này hay không. Đề xuất về trừng phạt mới dự kiến được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra trong tuần tới, sau đó sẽ cần phải được toàn thể 27 nước thành viên đồng thuận.
Sau bốn vòng cấm vận tài chính, kinh tế, công nghệ và trừng phạt có chọn lọc giới tài phiệt, doanh nhân hàng đầu của Nga, EU và phần nào đó là cả Mỹ đã chuyển hướng trừng phạt sang các lĩnh vực mới của nền kinh tế Nga, bịt những lỗ hổng trong các gói trừng phạt đã ban hành, hòng khiến Nga phải hứng chịu tổn thất lớn hơn.
Giới chức Mỹ đang có mặt tại Brussels (Bỉ) để thảo luận với EU vấn đề thực thi trừng phạt. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo ngày 29/3 cho biết Washington và các đồng minh lên kết hoạch trừng phạt các thực thể và cá nhân trợ giúp tài phiệt Nga cất giấu tài sản. Chính phủ nhiều nước cũng đang hoạch định biện pháp mới nhằm vào chuỗi cung của Nga, tạo áp lực khiến Moskva phải ngừng chiến dịch ở Ukraine.
Ngày 30/3, Chính phủ Anh thông báo áp quy định mới, ngăn tài phiệt, giới kinh doanh người Nga tiếp cận ngành công nghệ hàng không, hàng hải và cơ khí của Anh. Lệnh cấm trao đổi thương mại được Anh áp dụng với Crimea từ năm 2014 cũng được mở rộng, áp dụng cho hai khu vực đòi độc lập Donetsk và Luhansk tại Donbass.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine ngày 24/2, EU đã ban hành lệnh cấm vận đối với một số ngân hàng Nga như VEB RF, Rossiya và Ngân hàng Otkritie. Mỹ và EU cũng loại 7 ngân hàng của Nga gồm VTB, Otrkitie, Novikombank, Promsvyazbank, Rossiya, Sovcombank và VEB khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. VTB hiện là ngân hàng lớn thứ hai tại Nga.
Giới chức EU đang xem xét áp cấm vận với bốn ngân hàng của Nga thuộc diện bị loại khỏi SWIFT, nhưng chưa bị trừng phạt về tài sản, trong số này có VTB. Mỹ và Anh đã áp phong tỏa tài sản với VTB, nhưng EU vẫn chưa áp biện pháp tương tự với ngân hàng của Nga.
Tại thời điểm hiện nay, EU không có kế hoạch đưa ngân hàng Gazprombank và Sberbank vào diện xem xét cấm vận. Đây là hai thực thể tài chính của Nga chuyên thực hiện các giao dịch, thanh toán hợp đồng cung ứng năng lượng giữa Nga với các khách hàng châu Âu. EU đến nay cũng né tránh cấm vận dầu mỏ, khí đốt và than đá nhập khẩu từ Nga, do mức độ phụ thuộc lớn của khu vực này với nguồn cung năng lượng của Nga.
Ngoài ra, EU đang tính toán mở rộng trừng phạt nhằm vào thành viên gia đình giới tài phiệt, tinh anh doanh nghiệp người Nga, theo hướng ngăn chặn dịch chuyển tài sản ở nước ngoài. EU đã áp cấm vận đối với con rể Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng như vợ cũ của ông Igor Sechin – Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft. Tuy nhiên lệnh phong tỏa tài sản, cấm đi lại đối với thanh viên gia đình các nhà tài phiệt người Nga bị xem là còn hạn chế.
Giới chức châu Âu cũng đang xem xét ngăn chặn hành vi sử dụng tiền kỹ thuật số để lách cấm vận. EU đã công bố lệnh cấm cung cấp các khoản vay, tín dụng đối với các thực thể, cá nhân người Nga, trong đó tính cả tài sản là tiền kỹ thuật số. Tuy nhiên, điều EU đang cân nhắc là cách thức ngăn chặn các cá nhân bị trừng phạt giao dịch tiền điện tử để né trừng phạt.