Phát biểu với báo giới sau nhiều giờ nhóm họp tại Luxembourg, người đứng đầu Eurogroup Mario Centeno cho biết: "Chúng tôi đã có một trụ cột mới trong nền tảng hỗ trợ đồng euro".
Ra đời từ cách đây 2 thập kỷ, đồng tiền chung euro thường bị cho là bị suy yếu bởi sự chênh lệch về kinh tế giữa các nước thành viên, và cũng là lỗ hổng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ công. Pháp, với sự ủng hộ của các đối tác có nợ cao khác như Tây Ban Nha, đã kêu gọi Eurozone sử dụng một quyền lực chi tiêu chung, trong đó các nước giàu có thể thúc đẩy kinh tế của các nước nghèo hơn. Nhưng Hà Lan và các nước phía Nam không đồng ý và đã nỗ lực làm phán trong hai năm qua để gạt ý tưởng về ngân sách ban đầu.
Thay vào đó, tại cuộc họp vừa qua, các bộ trưởng đã quyết định chi tiết của một cái gọi là công cụ ngân sách, được giới hạn ở mức 17 tỷ trong vòng 7 năm và sẽ được gắn với ngân sách của EU. Xuất phát từ các chương trình cứu trợ cho Hy lạp, Bồ Đào Nha và Ireland, công cụ trên chỉ hỗ trợ các chính phủ chấp nhận thực hiện các cải cách khó khăn, như mất các quyền tuyển dụng và sa thải, cắt giảm lương hưu hoặc tư nhân hóa các cơ quan nhà nước.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết Eurogroup đã đạt một thỏa thuận "nền tảng chung... nhưng còn nhiều việc quan trọng cần giải quyết". Vấn đề gai góc hiện nay là các cuộc đàm phán ngân sách EU, liệu tất cả 27 quốc gia, kể cả các thành viên không thuộc Eurozone, có đồng ý chuyển một phần ngân sách của toàn khối cho một dự án của Eurozone hay không. Các cuộc đàm phán này vốn đã căng thẳng vì sự ra đi của "mạnh thường quân" là Anh, gây sức ép đối với các nước giàu, buộc họ phải đóng góp nhiều tiền hơn cho ngân sách EU.