Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu FAA Steve Dickson cho biết phần lớn khoản phạt được áp đặt vì Boeing không thực hiện đúng thỏa thuận năm 2015 về "cải thiện và ưu tiên tuân thủ quy định". Ông nêu rõ: "Boeing đã không đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của hãng này theo thỏa thuận. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở ban lãnh đạo Boeing rằng công ty phải ưu tiên sự an toàn cũng như tuân thủ quy định và FAA sẽ luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu trong mọi quyết định của mình".
Theo FAA, trong tổng số tiền phạt trên, 5,4 triệu USD là các khoản phạt trả chậm theo các điều khoản của thỏa thuận năm 2015 vì Boeing đã không đạt được một số mục tiêu cải tiến và do một số người quản lý của công ty đã không dành đủ sự ưu tiên cho việc tuân thủ các quy định của FAA. Boeing trước đó đã phải nộp khoản tiền phạt dân sự 12,1 triệu USD trong vụ việc này.
Cũng theo FAA, tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu nước Mỹ sẽ phải trả 1,21 triệu USD để giải quyết 2 vụ việc ban lãnh đạo "gây áp lực quá mức hoặc can thiệp vào" công tác kiểm soát chất lượng trong nội bộ, bao gồm công việc "liên quan kiểm tra khả năng hoạt động của máy bay".
Phản ứng trước quyết định của FAA, Boeing tuyên bố sẽ tăng cường và củng cố các quy trình làm việc và hoạt động của hãng để đảm bảo hãng chịu trách nhiệm đối với các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao nhất.
Dù số tiền phạt trên không nhiều đối với "gã khổng lồ" hàng không, song đây vẫn là thông tin tiêu cực đối với Boeing. Trong những ngày gần đây, tập đoàn sản xuất máy bay này đã trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận sau khi máy bay Boeing 777 của hãng hàng không United Airlines phải hạ cánh khẩn cấp do lỗi động cơ Pratt&Whitney. Vụ việc càng "nóng" lên khi FAA cho biết từng tiến hành điều tra kỹ lưỡng về động cơ sau một sự cố máy bay của hãng Japan Airline (Nhật Bản) năm 2020.
Trước đó, trong vòng 5 tháng từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, hai máy bay Boeing 737 MAX đã rơi ở Indonesia và Ethiopia làm ít nhất 346 người thiệt mạng. Các cuộc điều tra quốc tế xác định cả hai vụ tai nạn đều liên quan đến lỗi phần mềm giữ thăng bằng của máy bay. Vụ việc này không những dẫn đến việc 737 MAX bị cấm bay toàn cầu và Boeing thiệt hại gần 20 tỷ USD mà còn ảnh hưởng đến vị thế dẫn đầu của ngành hàng không Mỹ. Đến tháng 12/2020, sau gần 20 tháng ngừng bay, máy bay Boeing 737 MAX bắt đầu được khai thác bay trở lại sau khi được FAA cấp phép.