Phát biểu tại cuộc họp của tòa thị chính về an toàn hàng không, ông Dickson nêu rõ: "Chúng tôi muốn nắm được điều gì đã xảy ra và triển khai những bước đi cần thiết nhằm ngăn chặn tái diễn sự việc tương tự... Rất may không có ai thiệt mạng hay bị thương". Ông đồng thời tái khẳng định cơ quan này đang xây dựng các quy định hàng không mới phù hợp nhằm yêu cầu tiến hành các cuộc thanh tra theo từng bước.
Sự cố xảy ra vào ngày 20/2 vừa qua khi chiếc máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không United Airlines chở 231 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn đã bị hỏng động cơ không lâu sau khi cất cánh từ sân bay Denver trong hành trình đến Honolulu (Hawaii). Rất may, dù bị hỏng động cơ bên phải, vỏ ngoài động cơ gần như mất hết, chiếc máy bay này đã hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Denver, bang Colorado (Mỹ). Giám đốc Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) Robert Sumwalt ngày 22/2 thông báo đánh giá sơ bộ về sự cố trên, theo đó hiện tượng kim loại giảm độ bền được xem là nguyên nhân khiến cánh quạt trong động cơ Pratt &Whitney 4000 (PW4000) bị hỏng.
Các chuyên gia hàng không cho rằng đánh giá trên cũng đặt ra những câu hỏi mới về FAA, vốn từng bị chỉ trích vì cấp phép vội vàng cho máy bay Boeing 737 MAX, và chất lượng trong công tác bảo dưỡng Boeing 777. Trong khi đó, giới chức Mỹ cho biết ngay cả trước khi sự cố trên xảy ra, cơ quan quản lý an toàn hàng không Mỹ đã cân nhắc kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với các máy bay Boeing 777 trang bị động cơ Pratt & Whitney.
Ngay sau sự cố ở Denver, Boeing cho biết toàn bộ 128 máy bay Boeing 777 trang bị động cơ Pratt & Whitney trên toàn thế giới đã bị tạm dừng khai thác. Theo đó, hãng hàng không United Airlines cũng đã thông báo tạm dừng khai thác ngay lập tức tất cả 24 máy bay Boeing 777. Tương tự, các hãng hàng không Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản và hai hãng hàng không lớn nhất của Hàn Quốc là Korean Air Lines và Asiana Airlines cũng đã quyết định ngừng sử dụng loại máy bay sử dụng động cơ trên.
Hồi tháng 2/2018, một chiếc Boeing 777 có tuổi đời 26 năm, tương tự như chiếc gặp lỗi động cơ của United Airlines, thực hiện hành trình từ Mỹ đến Honolulu cũng gặp sự cố trên sau khi nắp động cơ bị rơi khoảng 30 phút trước khi máy bay hạ cánh an toàn. NTSB sau đó xác nhận nguyên nhân dẫn đến sự cố là do một cánh quạt động cơ bị gãy. Sau sự cố này, hãng sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney, thuộc tập đoàn công nghệ Raytheon, đã rà soát lại kết quả kiểm định trước đó đối với tất cả cánh quạt của động cơ PW4000. Đến tháng 9/2019, FAA đã ban hành chỉ thị yêu cầu kiểm tra các cánh quạt của động cơ trên.