Ngày 20/8, tờ "GlobalPost" cho biết Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhận định rằng đoạn video của nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng chiếu cảnh nhà báo Mỹ James Foley bị hành quyết là xác thực.
Nhà báo Mỹ James Fole. Ảnh: Time |
Trước đó, giới chức Mỹ tuyên bố họ đang cố gắng xác minh nội dung của đoạn video công bố hôm 19/8 sớm nhất có thể. Đoạn băng hình dài gần 5 phút có tựa đề "A Message to America" (Thông điệp gửi nước Mỹ) chiếu hình ảnh nhà báo Mỹ Foley bị chặt đầu giữa sa mạc. IS tuyên bố hành quyết nhà báo này để trả thù vụ các máy bay Mỹ tấn công các tay súng IS ở miền Bắc Iraq. Trong đoạn băng, tổ chức trên đồng thời cảnh báo đang giữ nhà báo Mỹ Steven Sotloff và số phận của người này phụ thuộc vào động thái tiếp theo của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Iraq.
James Foley, 40 tuổi, là một nhà báo giàu kinh nghiệm từng bám sát mảng tin về tình hình chiến sự tại Trung Đông trong 5 năm qua. Ông là cộng tác viên cho "GlobalPost", hãng tin Pháp AFP và nhiều đài phát thanh khác. Theo các nhân chứng, Foley bị IS bắt giữ tại tỉnh Idlib ở miền Bắc Syria ngày 22/11/2012. Trong khi đó, nhà báo Sotloff bị IS bắt cóc từ tháng 8/2013.
Ảnh chụp màn hình từ đoạn video.
|
Liên quan tới vụ việc này, cùng ngày 20/8, cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Michael Morell cảnh báo rằng vụ sát hại nhà báo Foley của IS là "cuộc tấn công khủng bố đầu tiên của nhóm này nhằm vào Mỹ". Theo ông, nhóm Hồi giáo cực đoan đang tìm cách đe dọa để Washington ngừng các cuộc không kích.
Trong diễn biến liên quan, các công tố viên của Vienna (Áo) cùng ngày cho biết 9 đối tượng bị tình nghi có ý định gia nhập lực lượng Hồi giáo ở Syria đã bị bắt giữ tại nước này.
IS là một tổ chức cực đoan đang gây bạo loạn tại nhiều khu vực rộng lớn ở Iraq, buộc Mỹ phải tiến hành các cuộc không kích đầu tiên kể từ khi rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này hồi năm 2011. Kể từ ngày 8/8, các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Mỹ đã thực hiện tổng cộng cuộc không kích nhằm vào lực lượng phiến quân Hồi giáo ở miền Bắc Iraq, một nửa trong số đó diễn ra tại khu vực xung quanh đập Mosul. Mới đây nhất, lực lượng người Kurd với sự yểm trợ từ các cuộc không kích của Mỹ đã giành lại quyền kiểm soát đập thủy điện Mosul, thắng lợi đáng kể nhất kể từ khi họ mở chiến dịch phản công lực lượng phiến quân Hồi giáo. Trong khi đó, phiến quân IS ở nước láng giềng Syria cũng đang hứng chịu nhiều đợt không kích quyết liệt của quân chính phủ.
TTXVN/Tin Tức