Cụ thể, phát biểu trước Ủy ban ngân hàng Thượng Mỹ, Chủ tịch Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) Martin Gruenberg cho biết sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống bảo hiểm tiền gửi theo quyết định của các cơ quan quản lý nhằm bảo vệ toàn bộ những người gửi tiền không được bảo hiểm sau sự sụp đổ của SVB. Ông cũng cho biết FDIC sẽ tiến hành đánh giá các sai sót trong quản lý dẫn đến sự sụp đổ của Signature Bank ngay sau SVB.
Dự kiến kết quả đánh giá riêng của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED), cơ quan quản lý chính của SVB trước khi ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ sụp đổ, cũng sẽ được công bố vào cùng ngày.
Ông Gruenberg khẳng định quyết định bảo vệ người gửi tiền không được bảo hiểm của FDIC và FED mang tính hệ quả cao, đồng thời cho biết thêm FDIC sẽ tiến hành "đánh giá toàn diện" hệ thống bảo hiểm tiền gửi của cơ quan này trước ngày 1/5.
Theo luật, FDIC bảo hiểm lên tới 250.000 USD tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng đủ điều kiện. Tuy nhiên, cả FED và FDIC đã có quyết định gây tranh cãi khi hỗ trợ cả tiền gửi không bảo hiểm tại SVB và Signature Bank hồi đầu tháng này, với lí do lo ngại về khả năng đổ vỡ dây chuyền.
Cùng ngày, phát biểu trước các thượng nghị sĩ Mỹ, Phó thống đốc phụ trách giám sát của FED Michael Barr xác nhận báo cáo riêng của ngân hàng trung ương này sẽ bao gồm "những thông tin giám sát mật" trước đây và không có hạn chế liên quan đến đánh giá về "cách thức FED tiến hành giám sát và quản lý" SVB.