Có nhiều ý kiến cho rằng tại cuộc họp lần này, FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, tháo gỡ phần nào khó khăn chi phí tiêu dùng tăng cao mà các hộ gia đình Mỹ đang phải đối mặt.
Trong khi nhiều nhà phân tích kỳ vọng FED một lần nữa thực hiện tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, nhiều người hướng sự chú ý vào khả năng FED có thể chuyển sang chính sách nới lỏng tiền tệ trong những tháng tới.
Các nhà phân tích tại Moody's Investors Service nhận định dữ liệu gần đây cho thấy rằng việc tăng lãi suất đang dần tạo ra một thời gian suy giảm kinh tế được kiểm soát với hoạt động tiêu dùng và đầu tư kinh doanh đang tăng lên trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản chững lại bởi đây là lĩnh vực chịu tác động lớn từ lãi suất ngân hàng.
Trong khi đó, nhà phân tích Edward Moya của Oanda cho rằng thước đo lạm phát của FED là áp lực giá vẫn chưa "hạ nhiệt", do đó khả năng FED nới lỏng chính sách tiền tệ là rất thấp.
Để tăng chi phí đi vay và giảm nhu cầu vay tiền ngân hàng, FED đã tăng lãi suất cho vay 5 lần trong năm nay, trong đó có 3 lần tăng 0,75% liên tiếp. Các nhà phân tích cho rằng mức tăng 0,75% nữa là gần như chắc chắn trong cuộc họp chính sách tiếp theo. Mức tăng này sẽ đưa lãi suất của Mỹ lên phạm vi từ 3,75% đến 4%. Dự kiến, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED, sẽ công bố quyết định vào ngày 2/11.
Gần đây, có nhiều ý kiến lo ngại về việc thắt chặt chính sách quá mức sẽ đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Nhiều chuyên gia cho rằng FED cần xem xét giảm tốc độ tăng lãi suất hoặc tạm dừng chính sách này để đánh giá tác động của các động thái hiện tại. Tuy nhiên, FED giữ quan điểm cho rằng chỉ giảm tốc tăng lãi suất khi các dữ liệu kinh tế cụ thể là lạm phát có sự cải thiện rõ rệt.