Cuộc họp kéo dài 2 ngày được tiến hành bên lề Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda tại Washington (Mỹ). Năm 2019, Nhật Bản lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G20 và Thủ tướng Shinzo Abe sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 28 và 29/6 tới tại Osaka.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cho biết mỗi nước G20 cần đảm bảo sẽ tiến hành "đúng lúc" hành động chính sách phụ thuộc vào điều kiện của từng nước nhằm làm giảm thiểu rủi ro. Ông kêu gọi các nước đưa thương mại tự do như một động lực đối với tăng trưởng toàn cầu, khẳng định thương mại tự do theo những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã và đang tạo ra những đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Tài chính Aso, các nguy cơ đối với tăng trưởng toàn cầu vẫn có xu hướng nghiêng về phía giảm tốc, do khả năng căng thẳng thương mại leo thang, Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit một cách hỗn loạn, và các điều kiện tài chính toàn cầu bị siết chặt đột ngột. Do đó, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 đã tái khẳng định tất cả chính sách được lựa chọn để hỗ trợ tăng trưởng bao trùm, cân bằng, bền vững, mạnh mẽ phải được sử dụng "đúng lúc".
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cũng cảnh báo mất cân bằng tài khoản vãng lai có thể gây rủi ro đối với kinh tế thế giới và điều này cần được giải quyết theo cơ chế đa phương, hơn là song phương. Ông Aso cũng nêu mong muốn của Nhật Bản rằng Washington cần chuyển từ việc chỉ tập trung vào thâm hụt thương mại song phương với Tokyo, Bắc Kinh cũng như một số nước khác, sang cân bằng thương mại dịch vụ và nối lại đầu tư nước ngoài như một phần của các nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng toàn cầu.
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20 cũng chia sẻ quan điểm rằng kinh tế thế giới sẽ lấy lại đà tăng trưởng và đi lên trong 6 tháng cuối năm 2019 trước khi đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2020. G20 cho rằng việc có thể đưa ra dự báo lạc quan trên là nhờ các điều kiện tài chính toàn cầu được nới lỏng sau quyết định gần đây của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) về chấm dứt chu trình tăng lãi suất, tác động của các biện pháp kích thích của Trung Quốc và một số nước cũng như triển vọng tích cực hơn đối với các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh về thương mại.
Nhận định G20 phù hợp với dự báo kinh tế thế giới mà IFM vừa đưa ra ngày 9/4, theo đó tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2019 có thể đạt 3,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó hồi tháng 1. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 vẫn được duy trì ở mức 3,6%.