G20 thông qua cơ chế chung về tái cơ cấu nợ của nhiều quốc gia đang phát triển

Ngày 13/11, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thông qua cơ chế chung về tái cơ cấu nợ của hàng chục quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm và hàng hóa cứu trợ tại Johannesburg, Nam Phi, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 đã ra tuyên bố về cơ chế chung trong việc tái cơ cấu nợ của các nước dễ bị tổn thương trên cơ sở từng nước sau cuộc họp trực tuyến do Saudi Arabia, nước Chủ tịch G20 hiện nay, điều hành.

Về nguyên tắc, việc xử lý nợ sẽ không diễn ra dưới hình thức xóa nợ. Còn nếu trong những trường hợp khó khăn nhất, việc xóa nợ sẽ được cân nhắc khi cần thiết, với điều kiện mỗi chủ nợ tham gia sẽ phải thực hiện các quy trình phê chuẩn trong nước một cách kịp thời, trong khi các chủ nợ khác sẽ được thông báo về tiến trình diễn ra. 

Sự nhất trí về cơ chế trên đánh dấu sự thay đổi lớn đối với Trung Quốc, nước chủ nợ chính của các nước nghèo, khi các quan chức nước này phản đối những nỗ lực trong việc xóa nợ. Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã tài trợ cho các dự án ở các nước đang phát triển nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng để mở rộng hoạt động thương mại.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng sự đồng thuận trên là mang tính lịch sử. Theo ông, lần đầu tiên các chủ nợ đa phương chính, các nước thành viên và không phải thành viên Câu lạc bộ Paris gồm các chủ nợ quốc tế sẽ phối hợp xử lý nợ của các nước thu nhập thấp. Điều này sẽ tăng cường sự minh bạch trong quá trình giảm nợ. 

Tuy nhiên, với cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển đang điêu đứng vì tình trạng nghèo đói, các nhà vận động cho rằng cơ chế trên là không đủ để ngăn chặn làn sóng khủng hoảng nợ ở các nước nghèo. Tháng trước, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, nợ của 73 nước nghèo nhất thế giới đã tăng 9,5% trong năm ngoái, lên 744 tỷ USD. 

Các nước G20 tháng trước đã nhất trí gia hạn Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) sang thêm 6 tháng đến tháng 6/2021, trong khi WB kêu gọi gia hạn một năm. 73 nước đủ điều kiện được tái cơ cấu nợ theo sáng kiến này, trong đó có nước ở khu vực châu Phi cận sa mạc Sahara.

Lê Minh (TTXVN)
G20 xem xét xóa một phần nợ cho các quốc gia nghèo
G20 xem xét xóa một phần nợ cho các quốc gia nghèo

Ngày 2/11, hãng tin Kyodo dẫn một số nguồn thạo tin cho biết bộ trưởng tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ nhất trí xóa một phần nợ cho các nước nghèo nhằm giúp các nước này thực hiện các biện pháp đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN