Kinh tế “hạ nhiệt”
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc) đang “nguội” dần, hiện ở mức thấp nhất trong 25 năm qua. Sự giảm tốc này đang và sẽ tiếp tục tác động lớn đến các nền kinh tế vốn dựa vào nguồn cung nhiên liệu thô cho Trung Quốc. Trong khi đó, những biến động trên thị trường chứng khoán, các đợt điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) thời gian qua kéo theo những tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2015 xuống còn 3,1%, thấp hơn so với mức dự báo 3,3% hồi tháng 7. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thậm chí dự báo con số này chỉ là 2,9% năm 2015 và 3,3% năm 2016. Sự tăng trưởng ì ạch của kinh tế thế giới thực sự là thách thức đối với tất cả các thành viên G20.
Các Bộ trưởng Thương mại G20 tham gia cuộc họp ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/10. |
Bối cảnh kinh tế với nhiều chỉ số xấu đặt G20 trước đòi hỏi phải tìm ra những biện pháp phối hợp nhằm cứu vãn nền kinh tế. Tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi sẽ xem xét thông qua kế hoạch “Chống Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận" (BEPS) mà OECD đề xuất nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận tới các nước có yêu cầu đóng thuế thấp hơn. Với những biện pháp được đề xuất trong BEPS, đây là lần đầu tiên sửa đổi lại hoàn toàn các chuẩn mực tài chính quốc tế kể từ một thế kỷ nay. Theo kế hoạch trên, 20 nền kinh tế này sẽ chặn hàng loạt lỗ hổng trong những hệ thống thuế quốc tế và quốc gia.
Khí hậu nóng
Trong khi đó, nhiệm vụ chống biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên cấp bách, vì vậy, đây cũng là chủ đề nóng được dự báo chiếm nhiều không gian thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G20. Nhóm chuyên gia cố vấn Kinh tế Khí hậu Mới (NCE) cho rằng các nước G20 có thể đóng góp 40% vào việc thực hiện các mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này chỉ ở mức 2 độ C, bằng cách nâng cao tiêu chuẩn sử dụng hiệu quả năng lượng và áp dụng chung cho các nước giàu của nhóm.
Theo thống kê, các nước G20 tiêu thụ 80% năng lượng toàn cầu và sản suất 94% lượng ô tô trên toàn thế giới, vì vậy có ảnh hưởng lớn trong việc sử dụng công nghệ hiệu quả. NCE khẳng định các nước G20 đang có điều kiện tốt để hưởng lợi từ các mục tiêu tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, như quy mô thị trường lớn, trình độ công nghệ cao, và sức tiêu thụ năng lượng lớn. Các lãnh đạo G20 nên tận dụng cơ hội này để đem lại lợi ích kinh tế cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ.
Khủng hoảng di cư và chủ nghĩa khủng bố
Trong năm 2015, hiện tượng người di cư đã trở thành khủng hoảng, không chỉ đối với châu Âu mà cả châu Á. Liên minh châu Âu (EU) đang phải vất cả tìm cách đối phó với dòng người tị nạn ồ ạt đến từ các nước Trung Đông và Bắc Phi, nhất là những người trốn chạy khỏi cuộc xung đột dai dẳng và đẫm máu tại Syria và Iraq. Hàng nghìn người tìm cách nhập cư vào châu Âu đã phải bỏ mạng trên biển. Trong khi đó tại châu Á, người tị nạn Myanmar và Bangladesh ồ ạt rời bỏ đất nước vì nhiều lý do đã dạt vào bờ biển của Thái Lan, Indonesia và Malaysia, tạo ra cuộc khủng hoảng thuyền nhân trong khu vực. Hàng nghìn người đang phải lênh đênh trên biển với các điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, mạng sống bị đe dọa. Trước tình hình này, Chủ tịch G20 năm nay thừa nhận rằng cần một cách ứng phó toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Các nước G20 cần đi đầu trong một giải pháp phối hợp và mới mẻ và thúc đẩy tình đoàn kết quốc tế lớn hơn nữa để bảo vệ người tị nạn. Ankara cũng đã thông báo đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự Antalya.
Một trong các điểm nhấn khác của hội nghị tới sẽ là chủ nghĩa khủng bố. Trong năm qua, bất chấp nỗ lực của một liên minh hùng hậu gồm hàng chục quốc gia trên thế giới, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ, bành trướng sức mạnh của mình ra ngoài biên giới Syria và Iraq, vươn tới Nigeria, Libya, Yemen, Algeria, Tunisia, Afghansitan và xa hơn nữa. IS đang đe dọa vẽ lại bản đồ khu vực Arab bằng cách lấp đầy các khoảng trống chính trị tại những quốc gia yếu kém và gây chia rẽ trong khu vực. Mới đây nhất, IS tuyên bố đã tấn công chiếc máy bay chở khách của Nga trên bầu trời Ai Cập làm 224 người thiệt mạng hôm 31/10. Tuy chưa có bằng chứng xác đáng để xác nhận thông tin này, nhưng các nước, trong đó có Nga, thừa nhận "có khả năng một hành động khủng bố" là nguyên nhân của vụ rơi máy bay này. Tờ Sunday Times của Anh thậm chí cho biết kẻ tổ chức vụ nổ bom trên chiếc máy bay xấu số này có thể là tên Abu Osama al-Masri, trùm nhóm khủng bố “Vilayat Sinai” (một nhánh của IS trên bán đảo Sinai). Thế giới rõ ràng đang phải đối mặt với nguy cơ xuất hiện một chế độ tàn bạo, giống như căn bệnh ung thư hiện nay chưa có cách chữa trị triệt để. Hỏa lực và những trận không kích chỉ như những liều thuốc hóa trị, chỉ giúp tạm thời ngăn đà phát triển của các tế bào ung thư, nhưng không thể tiêu diệt chúng hoàn toàn. G20 sẽ thảo luận để tìm một cách tiếp cận khác hiệu quả hơn.
Thay cho lời kết
Từ một diễn đàn nhằm giải quyết vấn đề kinh tế toàn cầu, G20 đang ngày càng khẳng định mình trong các vấn đề của thế giới. Thực hiện đúng những cam kết đề ra của G20, thế giới sẽ chứng kiến thời kỳ thịnh vượng mới và được an toàn hơn.