Theo đài Sputnik (Nga), các nhà lãnh đạo của các nước G7 đã tiến hành một cuộc gọi video với giới chức Liên minh châu Âu và NATO để thảo luận về các lựa chọn thay thế cho tư cách thành viên NATO cho Ukraine. Các lựa chọn này bao gồm một mô hình trong đó loại trừ nguyên tắc phòng thủ tập thể của liên minh. Thông tin này được tờ Politico đưa ngày 20/4, dẫn lời một cố vấn của Tổng thống Pháp Macron.
“Đất nước chúng tôi sẵn sàng đưa ra các đảm bảo an ninh”, quan chức này cho biết.
Theo quan chức Pháp, các đảm bảo an ninh cho Ukraine sẽ không liên quan đến Điều 5 của NATO, vốn quy định một cuộc tấn công vào một thành viên của liên minh sẽ được coi là tấn công vào tất cả.
Trước đó, ngày 19/4, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và đại diện của EU, NATO và G7 đã thảo luận thông qua cuộc gọi video về nỗ lực tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine và áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga.
Ngày 24/2, Nga đã phát động một chiến dịch quân sự ở Ukraine sau khi hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk kêu gọi sự giúp đỡ từ Moskva để tự vệ trước các hành động khiêu khích của Ukraine. Tổng thống Putin tuyên bố chiến dịch này nhằm “phi quân sự hoá”, “phi phát xít hoá” Ukraine, trong khi chính quyền Tổng thống Zelensky coi cuộc tấn công nhằm vào đất nước ông là vô cớ.
Ngày 19/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thông báo về giai đoạn tiếp theo của chiến dịch quân sự tại Ukraine, trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng xác nhận giai đoạn 2 đã bắt đầu. Ông Shoigu cho biết các lực lượng vũ trang Nga đang “tiến hành theo phương pháp” đối với kế hoạch “giải phóng” 2 vùng Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine.
Bộ trưởng Shoigu cũng cáo buộc phương Tây đang đổ thêm dầu vào lửa và không muốn chiến sự kết thúc sớm khi liên tục "bơm" vũ khí cho Ukraine.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Nga thông báo hoàn thành chiến dịch giai đoạn 1 vào cuối tháng 3 và rút quân khỏi khu vực quanh Kiev, Chernihiv để tập trung vào vùng Donbass, với diện tích rộng lớn lên tới hơn 50.000km2, tiếp giáp với Nga ở cả phía bắc và nam. Chưa rõ mục tiêu cụ thể về vùng lãnh thổ mà Nga muốn "giải phóng" theo cách gọi của nước này là những vùng các lực lượng đòi độc lập tuyên bố là nước cộng hoà tự xưng hay cả những khu vực khác thuộc Donbass.
Trong khi đó, ngày 20/4, Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR) cho biết hơn 5 triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu. Hơn một nửa trong số những người rời đất nước, khoảng 2,8 triệu, đã chạy sang Ba Lan. Ước tính khoảng 7 triệu người cũng đã phải sơ tán trong nội địa Ukraine để tránh chiến sự.
Những con số trên có nghĩa hơn ¼ dân số 44 triệu người của Ukraine đã rời bỏ nhà cửa kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Ước tính 13 triệu người khác mắc kẹt ở những khu vực bị ảnh hưởng hoặc không thể rời đi, tính đến cuối tháng 3 theo số liệu của Liên hợp quốc.