Theo bà Elizabeth Rosenberg, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đang lên kế hoạch xem xét lại mức trần dầu thô của Nga và có thể đưa ra quyết định trong vài tuần tới.
Mức trần giá dầu Nga 60 USD/thùng đã được Liên minh châu Âu (EU) và G7 đã áp dụng từ ngày 5/12/2022 và được Australia hưởng ứng.
Theo tiết lộ của bà Rosenberg bên lề hội ngị năng lượng CERAWeek, G7 đang lên kế hoạch đánh giá lại mức trần vào tháng 3. Tuy nhiên, bà từ chối bình luận về vấn đề tác động của lệnh giá trần trên đến cán cân cung cầu trên thị trường dầu thô thế giới. Bà cũng từ chối trả lời về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt hoặc khả năng thay đổi các chính sách mà Mỹ đang theo đuổi.
Trong khi đó, đặc phái viên về vấn đề an ninh năng lượng của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Amos Hochstein cho biết mức trần giá do G7 và các đồng minh đưa ra để buộc Nga bán dầu thô và nhiên liệu với giá chiết khấu, đang phát huy hiệu quả.
Lệnh trừng phạt này cấm các công ty phương Tây cung cấp bảo hiểm và những dịch vụ khác cho tàu chở dầu nhập khẩu từ Nga, trừ khi hàng hóa được mua với giá bằng hoặc dưới 60 USD/thùng.
Các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga cũng bị áp giá trần kể từ ngày 5/2. Phương Tây đã nhất trí đưa ra giới hạn giá 100 USD/thùng đối với dầu diesel, nhiên liệu máy bay và xăng từ Nga và mức trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu khác được giao dịch dưới giá dầu thô, chẳng hạn như dầu nhiên liệu được sử dụng trong ngành công nghiệp.
Đầu tuần này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng giá trần mà các quốc gia G7 đặt ra cho dầu của Nga không thực sự tồn tại, căn cứ theo mức giá thị trường.