Văn bản trên được 59 trường đại học Mỹ gửi tới tòa án, trong đó có 7 trường thuộc nhóm các trường đại học ở miền Đông nước Mỹ. Các cơ sở giáo dục này cho biết họ dựa vào chỉ thị liên bang, vẫn "có hiệu lực trong tình trạng khẩn cấp", cho phép các sinh viên quốc tế tham gia các tiết học trực tuyến trong thời gian dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bên cạnh đó, các trường nhấn mạnh thêm rằng "trong thời gian tình trạng khẩn cấp tiếp tục kéo dài, việc chính sách của chính phủ thay đổi đột ngột sẽ gây xáo trộn, cũng như dẫn tới bất ổn và gây tổn thất đáng kể".
Hôm 8/7 vừa qua, Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts đã đệ đơn lên một tòa án liên bang ở thành phố Boston kiện Chính phủ Mỹ về việc ra sắc lệnh tước thị thực của sinh viên nước ngoài nếu khóa học mùa Thu tới của họ tại các trường đại học ở Mỹ được thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến.
Trước đó, với việc quan ngại có thể trở thành những ổ dịch COVID-19, nhiều trường đại học tại Mỹ đã áp dụng các biện pháp nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm, từ đeo khẩu trang trong phòng học cho đến hạn chế các hoạt động xã hội nhằm giảm số sinh viên phải đến trường. Nhiều trường đã thông báo hình thức học hỗn hợp, cho phép các lớp học trực tiếp bên cạnh một lượng lớn tín chỉ được học qua hình thức trực tuyến. Sắc lệnh mới nói trên được dự báo là có thể làm giảm mạnh số sinh viên quốc tế đăng ký khóa học mùa Thu tới.
Theo Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), trong năm học 2018-2019, có khoảng 1,1 triệu sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ, chiếm 5,5% sinh viên đại học trên toàn nước này. Trong năm 2018, lực lượng này đóng góp 44,7 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ.