Ngày 4/12, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc kéo dài 2 ngày, trong bối cảnh an ninh tại Đông Bắc Á tăng nhiệt sau khi Bắc Kinh đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông.
Vấn đề ADIZ chỉ là phần nổi…
Ngay trước thềm chuyến thăm, truyền thông Trung Quốc đã có cách “chào đón” ông Biden không như thường lệ. Hôm 3/12, tờ Nhân dân nhật báo viết rằng: “Ông Biden không nên hy vọng vào một bước tiến lớn nếu còn nhắc lại các bình luận sai trái, một chiều về ADIZ. Nếu thực sự muốn giảm căng thẳng tại khu vực, Mỹ trước hết phải chấm dứt sự ủng hộ ngầm đối với trò chơi “bên miệng hố chiến tranh” của Tokyo. Mỹ cần dừng ngay việc khuyến khích Thủ tướng hiếu chiến Nhật Bản Shinzo Abe tiếp tục các hành động xâm lấn và khiêu khích”. Lời chỉ trích này được đưa ra tại thời điểm ông Biden đang thăm Nhật Bản và bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, coi đây là nguyên nhân gây căng thẳng và làm tăng nguy cơ va chạm tại khu vực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đón Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh ngày 4/12. Xinhua/TTXVN |
Một nội dung quan trọng mà ông Biden phải thực hiện là tìm cách để Trung Quốc không tiếp tục đẩy căng vấn đề ADIZ nhưng vẫn giúp Bắc Kinh giữ được thể diện; đồng thời thực hiện trách nhiệm bảo vệ lợi ích đối với hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây không hề là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng xem ra ông Biden đã làm tốt phần việc mở đầu: Ngay tại Tokyo, Phó Tổng thống Mỹ đã hối thúc Trung - Nhật cần phải đối thoại để giảm nguy cơ căng thẳng, bày tỏ quan điểm Mỹ không muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột tại khu vực.
… trong tổng thể quan hệ Mỹ-Trung
Chuyến công du một tuần tới Đông Bắc Á của ông Biden đã được Nhà Trắng thông báo từ trước là nhằm tái khẳng định sự hiện diện bền vững của Mỹ tại khu vực, thúc đẩy lợi ích kinh tế và thương mại, minh chứng cho bước chuyển trên thực tế trong chính sách tái cân bằng chiến lược của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
Tại Bắc Kinh, cuộc gặp ngày 4/12 giữa Phó Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra khá thân mật, một phần nhờ yếu tố thuận lợi là, hơn bất kì một quan chức Mỹ nào, ông Biden đã tạo dựng được mối quan hệ tốt với ông Tập từ khi còn là Phó Chủ tịch Trung Quốc. Hai bên hội đàm trong 2 giờ đồng hồ, lâu hơn nhiều so với thời gian dự kiến là 45 phút. Ông Tập gọi vị khách Mỹ là “người bạn cũ” và nhấn mạnh “tăng cường đối thoại và hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất đối với cả hai nước". Chủ tịch Trung Quốc cam kết cùng nỗ lực với Mỹ, tôn trọng những lợi ích cốt lõi và những lo ngại của nhau, thúc đẩy hợp tác thực tiễn và phối hợp trong các vấn đề khu vực và thế giới, xử lý thỏa đáng các vấn đề nhạy cảm và những bất đồng, nhằm đảm bảo phát triển bền vững mối quan hệ giữa song phương.
Về phần mình, ông Biden cho rằng quan hệ Mỹ - Trung cần phải được xây dựng bằng lòng tin. Điều này cũng được ông khẳng định trong cuộc gặp cùng ngày với Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều. Hai bên đã cam kết tăng cường trao đổi thông tin chiến lược cấp cao và ngăn chặn tình trạng xung đột cũng như đối đầu. Ông Biden nhận định quan hệ Mỹ - Trung, có tầm ảnh hưởng rất lớn trên thế giới, đang dần chín muồi, phía Mỹ cam kết mở rộng hợp tác thực chất và giải quyết bất đồng song phương một cách "thẳng thắn và xây dựng” để qua đó thúc đẩy các “mối quan hệ kiểu mới”.
Trong chuyến thăm này, Phó Tổng thống Mỹ cũng được cho là sẽ hối thúc Trung Quốc tìm kiếm, thậm chí kết thúc đàm phán về một Hiệp định đầu tư song phương Mỹ - Trung từng được hai nước khởi động đầu năm 2013; tương tự như Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hoài Thanh