Gazprom 'liều' khởi công Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ

Lãnh đạo Gazprom cho biết, tập đoàn khí đốt này sẽ lắp đặt đường ống của dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” ngay đầu tháng tới, mà không chờ đợi Ankara ký kết hiệp định chính thức.

Tuần trước, Oleg Aksyutin - thành viên Ban điều hành Gazprom, cho biết: Việc xây dựng tuyến đường ống ngoài khơi dài 1.100km này sẽ bắt đầu tại khu vực nước nông trên Biển Đen vào đầu tháng 6. Đây được xem là sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử: Một nước bắt tay xây dựng đường ống khí đốt ở nước ngoài tới Thổ Nhĩ Kỳ mà chưa ký được một thỏa thuận với tập đoàn khí đốt quốc doanh BOTAS. Dưới đây là các nguyên nhân đưa đến quyết định được cho là mạo hiểm này của Gazprom.

Gazprom sẽ cho lắp những mét đường ống đầu tiên trong dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" vào đầu tháng 6 tới. Ảnh: Reuters


Bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ: Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 7/6 tới và đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền đang phải nỗ lực chạy đua trước các đảng phái chính trị khác. Việc thành lập nội các hậu bầu cử sẽ mất thời gian, khi mà còn chưa rõ đảng nào sẽ chiến thắng. Đương kim Bộ trưởng Năng lượng Taner Yildiz được cho là người có quan điểm cứng rắn, không muốn ký thỏa thuận chính thức với Nga khi chưa đạt được mức chiết khấu về giá theo mong muốn của Ankara. Moskva hy vọng, tân Bộ trưởng Năng lượng trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là người “mềm dẻo” hơn.

Phương tiện, vật tư đã có sẵn: Nga dự kiến xẽ cho xây 4 tuyến đường ống chạy ngầm dưới Biển Đen để cấp khí đốt tới Thổ Nhĩ Kỳ. Một tuyến đường ống trong số này có công suất chuyên chở 15,75 tỉ m3 khí/năm và chỉ để tiêu thụ ở thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu từ cuối năm 2016. Sau đó, 3 tuyến ống còn lại với mức công suất tương đương sẽ được kéo thẳng tới trung tâm phân phối ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp, hoàn thành năm 2018.

Để đặt đường ống dưới đáy Biển Đen phục vụ dự án “Dòng chảy phương Nam”, Nga đã thuê hai tàu dải đường ống của công ty Saipen (Italy) từ mùa thu năm ngoái. Sau khi tuyến đường ống này bị hủy vào cuối năm 2014, Gazprom vẫn phải bấm bụng trả khoản tiền  25 triệu euro/tháng cho đối tác Saipen, dù không sử dụng 2 tàu này. Hơn nữa, công ty con của Gazprom là South Stream Transport B.V có trụ sở đặt tại Hà Lan hiện đã có giấy phép xây dựng đường ống ở vùng biển thuộc chủ quyền của Nga trên Biển Đen. Theo đó, công ty này có thể hoàn thiện 2/3 tuyến đường ống của dự án mà không cần đến thỏa thuận của Ankara.

Nga hướng tới thời điểm thuận lợi hơn: Hôm 5/5, Gazprom đồng ý chiết khấu giá bán khí đốt cho các nhà nhập khẩu tư nhân của Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều tháng thương thảo. Theo đó, giá bán sẽ được giảm từ 374 USD/1.000m3 khí xuống còn 300 USD/1.000m3 trong quý đầu của năm, sang quý thứ 2 xuống còn 260 USD/1.000m3. Thỏa thuận có hiệu từ ngày 1/1/2015, đồng nghĩa với việc Gazprom sẽ hoàn trả khoản tiền 250 – 300 triệu USD mà các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ đã thanh toán. Những người được lợi gồm có công ty Enerco Enerji, Bosphorus Gaz, Avrasya Gaz, Shell, Bati Hatti, Akfel Gaz và Kibar Enerji. Các đầu mối tư nhân nhập khẩu khoảng 10 tỉ m3 khí đốt từ Nga, trong tổng sản lượng 27,3 tỉ m3 mà Thổ Nhĩ Kỳ nhập từ nước ngoài.

Thế nhưng, BOTAS lại không có được đặc ân  này, dù là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất từ Nga. Những cuộc đàm phán về giá chiết khấu giữa BOTAS với Gazprom đã lâm vào bế tắc. BOTAS hy vọng, không được ưu đãi hơn thì chí ít cũng phải ngang bằng với các công ty tư nhân khác.

Bình luận về bước đi trên đây của Nga, cựu Giám đốc điều hành BOTAS Gokhan Yardim nói rằng: Tổng thống Nga Vladimir Putin là người rất thực tế. Điện Kremlin muốn châu Âu hiểu rằng, Nga có thể hoàn tất “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” trước khi Liên minh châu Âu (EU) có được dòng khí đốt đầu tiên từ “Hành lang khí đốt phương Nam” - một dự án EU đang tích cực theo đuổi nhằm giảm phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga.

Moskva và Ankara hiện mới chỉ ký kết Bản ghi nhớ (Mou) về dự án này, mà chưa có bất kỳ một thỏa thuận liên chính phủ nào.


Hoài Thanh (Theo Natural Gas Europe)

Vì sao Ankara hờ hững với ‘Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ’?
Vì sao Ankara hờ hững với ‘Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ’?

Hơn 5 tháng sau khi Nga cùng Thổ Nhĩ Kỳ ký Biên bản ghi nhớ xây dựng tuyến đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên vẫn chưa thể đi tới thỏa thuận chính thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN