Theo đài Sputnik, các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Bahrain, Các Tiểu vương Quốc Arập Thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Oman và Saudi Arabia đã đạt được thỏa thuận về “đoàn kết và ổn định”, giúp chấm dứt rạn nứt ngoại giao giữa Qatar và năm nước thành viên còn lại.
Thỏa thuận đạt được tại thời điểm lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh GCC lần thứ 41, khai mạc ngày ngày 5/1 tại tỉnh Al-Ula, Tây Bắc Saudi Arabia. Theo đó, Saudi Arabia, UAE, Bahrain sẽ dỡ bỏ cấm vận giao thương, tái mở cửa không phận cũng như đường biên giới trên biển, trên bộ với Qatar.
Đây là lần đầu tiên Quốc vương Qatar Sheikh Tamim tham dự Hội nghị GCC kể từ năm 2017. Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Quốc vương Sheikh Tamim ngày 5/1 đã có màn bắt tay nồng ấm ngay tại chân cầu thang máy bay tại sân bay Al Ula, chỉ một ngày sau khi Saudi Arabia tái mở cửa không phận, biên giới đối với Qatar.
Kênh truyền hình Al-Alrabiya dẫn lời Hoàng thái tử bin Salman cho biết, nỗ lực của các bên đã giúp đi tới thỏa thuận tuyên bố chung Al-Ula sẽ được ký tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, trong đó lãnh đạo các nước GCC khẳng định tinh thần đoàn kết, ổn định của vùng Vịnh.
Nội bộ GCC lâm vào khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng hồi tháng 6/2017, sau khi Saudi Arabia và các nước đồng minh gồm UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với các buộc nước này tài trợ các hoạt động Hồi giáo cực đoan - điều mà chính quyền Doha kiên quyết bác bỏ.
Sau leo thang căng thẳng, 4 nước này đã ra yêu sách 13 điểm đối với Qatar, trong đó có việc đóng cửa kênh Al Jazeera, buộc công dân Qatar phải rời khỏi những nước này, đóng cửa không phận, biên giới trên đất liền và cảng biển đối với Qatar. Đáp lại, Doha tố ngược các nước láng giềng đang tìm cách tước bỏ quyền chủ quyền của nước này.