Giá cao gieo hy vọng
“Vụ mùa này là niềm hy vọng của chúng tôi”, nữ nông dân 58 tuổi ở tỉnh Chai Nat, miền Trung Thái Lan, bộc bạch và chỉ vào những cây lúa non xanh chỉ cao vài cm. Bà Sripai đang cố gắng trả được khoản nợ hơn 200.000 baht (5.610 USD). Bà lấy động lực từ thực tế giá gạo tăng đột biến trên toàn cầu, gần mức cao nhất trong khoảng 15 năm sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu.
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), nông dân Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, sẽ được hưởng lợi từ diễn biến này. Krungsri Research năm 2022 cho biết Thái Lan đã xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo trắng sang các quốc gia trên khắp Trung Đông, châu Á và châu Phi. Gần một nửa đất nông nghiệp của Thái Lan được dành để trồng lúa, với hơn 5 triệu hộ gia đình tham gia.
Chuyên gia nông nghiệp Nipon Poapongsakorn tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, cho biết nền tảng của ngành lúa gạo Thái Lan xuất phát từ cuối thế kỷ 19 dưới thời trị vì của Vua Chulalongkorn, người thúc đẩy thương mại tự do và cải cách nông nghiệp, đất đai. Theo ông Somporn, hàng thập kỷ đầu tư vào nghiên cứu và cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện để nông dân Thái Lan chuyển sang các giống lúa có năng suất cao từ những năm 1960, củng cố vị thế của Thái Lan khi đó là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Nhưng ông nhấn mạnh: “Khi bạn trồng giống có năng suất cao, bạn phải trồng nó ở những vùng được tưới tiêu”.
Trở ngại đối với hưởng lợi từ giá gạo tăng
Theo giáo sư dự bị Somporn Isvilanonda tại Viện Mạng lưới Tri thức Thái Lan (KNIT), mặc dù giá hiện nay cao nhưng “nông dân không thể tận dụng cơ hội để sản xuất lúa gạo”. Ông dự kiến sản lượng sẽ giảm khoảng 30% trong hai vụ trồng trọt tiếp theo do thiếu nước. Chính phủ Thái Lan dự báo tình trạng thiếu nước có thể sẽ trầm trọng hơn vào năm 2024 khi hiện tượng El Nino gia tăng.
Diện tích trồng lúa ở Thái Lan đã giảm 14,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã giảm hàng năm kể từ 2020. Giáo sư dự bị Somporn nhận định: “Diện tích canh tác giảm do thiếu mưa và nước tưới tiêu”.
Ông Somporn phân tích rằng việc giảm diện tích đất canh tác có thể làm giảm sản lượng gạo của Thái Lan, kéo theo gia tăng lạm phát lương thực vốn đã tràn lan sau hạn hán ở các nước sản xuất gạo quan trọng khác và ảnh hưởng đến hàng tỷ người tiêu dùng vốn coi ngũ cốc là lương thực chính.
Áp lực đè trên vai người nông dân
Dựa trên phỏng vấn với chuyên gia và từ dữ liệu của chính phủ, Reuters đánh giá hệ thống canh tác lúa hàng thế kỷ của Thái Lan đang chịu áp lực nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nợ nông nghiệp không bền vững và thiếu đổi mới.
Những áp lực này đè nặng lên vai người nông dân Thái Lan vốn đang gánh nhiều nợ nần. Theo dữ liệu của chính phủ, nhiều nông dân đang phải chịu gánh nặng tài chính sau khi vay mượn để trang trải cho mùa màng của họ, với khoản nợ hiện đã kéo dài qua nhiều thế hệ.
Ngay cả trước khi chính phủ mới nhậm chức, bà Sripai và những nông dân khác trong khu vực đã nhiều lần tới thủ đô Bangkok để vận động Bộ Nông nghiệp. Bà Sripai, người phải trả lãi suất 6,875% cho khoản vay của mình, nói: “Chúng tôi mắc nợ khi đối mặt với hạn hán, lũ lụt và sâu bệnh”.
Thái Lan là một trong những nước có mức nợ hộ gia đình cao nhất châu Á. Theo dữ liệu của chính phủ, vào năm 2021, 66,7% tổng số hộ gia đình nông nghiệp mắc nợ, phần lớn là từ các hoạt động liên quan đến nông nghiệp.
Thủ tướng Srettha Thavisin trong tuyên bố chính sách đầu tiên trước Quốc hội vào tháng 9 nói rằng chính phủ sẽ tìm cách cải thiện thu nhập từ nông nghiệp. Ông nói: “Sẽ có hợp nhất các nguồn quản lý tài nguyên nước, đổi mới ... để tăng sản lượng cũng như tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm nông nghiệp”. Nhà lãnh đạo này cũng cho biết thêm sẽ tạm thời đình chỉ một số khoản vay nông nghiệp.
Cả hai chuyên gia đều cho biết, chính phủ Thái Lan phần lớn tránh xa các biện pháp can thiệp vào thị trường cho đến khi cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra vào năm 2011 đưa ra kế hoạch mua gạo của nông dân ở mức cố định, đôi khi cao hơn giá thị trường nhằm tăng giá gạo qua việc lưu trữ chúng trong nhà kho. Ông Nipon cho biết, động thái đó đã khởi đầu một thập kỷ trợ cấp gây cản trở năng suất trong ngành lúa gạo của Thái Lan, khiến năng suất trung bình thấp hơn so với Bangladesh và Nepal. Ông nói: “Chúng tôi đã mắc kẹt trong thành công của mình”.
Ông Nipon Poapongsakorn đồng thời nhấn mạnh đến sụt giảm đầu tư cho nghiên cứu lúa gạo từ mức 300 triệu baht một thập niên trước xuống còn 120 triệu baht được phân bổ cho năm nay. Chuyên gia nông nghiệp này thừa nhận: “Giống lúa của chúng tôi đã lỗi thời, năng suất rất thấp”.
Ông Somporn cho biết nông dân chỉ có thể trồng các giống hợp pháp được chính phủ phê duyệt và có thể phải đối mặt với thách thức trong tìm kiếm người mua nếu họ trồng các giống lúa từ nơi khác, có thể không phù hợp để trồng trọt ở Thái Lan.
Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, những nước như Ấn Độ và Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào nghiên cứu, vượt xa Thái Lan về năng suất và giành được sức hút trên thị trường xuất khẩu.
Và mức giá gạo hiện tại đang mang đến cơ hội hiếm có cho người nông dân Thái Lan. “Chúng tôi hy vọng có thể trả hết nợ”, Sripai nói khi ngồi trước tòa nhà gỗ xiêu vẹo của bà.