Người dân thắp đuốc tại lễ tưởng niệm ở thủ đô Yerevan, Armenia, ngày 24/4/2015. Ảnh: AFP/TTXVN |
Động thái mới này được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng quan hệ giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia kế thừa đế chế Ottoman theo hiệp ước Lausane ký kết năm 1923.
Chủ tịch Hạ viện Hà Lan Khadija Arib tuyên bố cơ quan này đã thông qua bản kiến nghị với số phiếu áp đảo 142 phiếu (trên 145 ghế). Hạ viện Hà Lan cũng nhất trí cử một đại diện của chính phủ tới thủ đô Yerevan của Armenia vào tháng 4 tới để tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân của cuộc tàn sát và thông lệ này sẽ được tiến hành định kỳ 5 năm/lần.
Quyết định của Hạ viện Hà Lan ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một thông báo mới, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh Ankara lên án mạnh mẽ quyết định mới của Hạ viện Hà Lan. Trong khi đó, quyền Ngoại trưởng Hà Lan Sigrid Kaag đã nhanh chóng lên tiếng khẳng định chính phủ không đồng quan điểm với Hạ viện về vấn đề này và sẽ ngăn chặn việc hiện thực hóa kiến nghị nêu trên.
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, người Armenia là dân tộc thiểu số ở đế chế Ottoman với số lượng khoảng 2,5 triệu người chủ yếu theo Công giáo. Theo ước tính, trong giai đoạn 1915-1916, khoảng từ 200.000 đến 1,5 triệu người Armenia tại đây đã bị tàn sát trong các chiến dịch quân sự nhằm đẩy người Armenia ra khỏi vùng Anatolia, nay thuộc miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ. Armenia từ lâu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận cuộc tàn sát người Armenia thời đế chế Ottoman là một "tội ác diệt chủng".
Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhiều lần xin lỗi người Armenia, song kiên quyết không công nhận đây là "tội ác diệt chủng" do cho rằng số người Thổ Nhĩ Kỳ và số người Armenia thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở vùng Anatolia là tương đương. Cho tới nay, các cơ quan lập pháp trên 20 quốc gia, trong đó có Đức, đã bỏ phiếu thông qua các điều luật hoặc các nghị quyết công nhận cuộc tàn sát này là một "tội ác diệt chủng". Nghị viện châu Âu (EP) cũng từng ra nghị quyết kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận đây là "tội diệt chủng".