Giải Nobel Y học những năm gần đây

Mở màn cho mùa trao giải thưởng danh giá Nobel (Nôben) 2012, ngày 8-10, Uỷ ban giải thưởng Nobel tại thủ đô Stokholm (Xtốckhôm) của Thụy Điển đã công bố Giải Nobel Y học năm 2012 thuộc về nhà khoa học người Anh John Gurdon và nhà khoa học Nhật Bản Shinya Yamanaka với công trình nghiên cứu mang tính đột phá về tế bào gốc.



Nhà khoa học người Anh John Gurdon và nhà khoa học Nhật Bản Shinya Yamanaka đoạt giải Nobel Y học 2012. Nguồn: dantri.com.vn.



Nhà khoa học John B. Gurdon

Ông John B. Gurdon sinh ngày 2-10-1933, tại Dippenhall, Anh. Hiện làm việc tại Viện Gurdon ở Cambridge.

Năm 1960, ông lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Oxford và sau đó là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Công nghệ California.

Đến năm 1972, ông chuyển tới Đại học Cambridge, Anh với tư cách Giáo sư Sinh học Tế bào kiêm Hiệu trưởng trường cao đẳng Magdalen.

Năm 1989, ông là một thành viên sáng lập của Viện CRC Sinh học tế bào và ung thư ở Cambridge và là Chủ tịch Viện cho đến năm 2001.

Ông được biết đến với nghiên cứu tiên phong của mình trong hạt nhân cấy ghép và nhân bản.

Ông đã được trao giải thưởng Lasker năm 2009 và được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ.

Nhà khoa học Shinya Yamanaka

Ông Shinya Yamanaka sinh ngày 4-9-1962 tại Osaka, Nhật Bản. Hiện ông là Giáo sư tại Đại học Kyoto.

Ông nhận bằng thạc sĩ tại trường Đại học Kobe năm 1987, bằng tiến sĩ ở Đại học thành phố Osaka năm 1993.

Sau đó ông làm việc tại Viện Gladstone San Francisco và Viện Khoa học – Công nghệ Nara Nhật Bản. Yamanaka.

Ông đã từng được nhận giải thưởng Wolf trong y học trong năm 2011 và giải thưởng Thiên niên kỷ Công nghệ trong năm 2012.

Giải Nobel Y học trong vòng 10 năm gần đây

- Năm 2001:
Ba nhà khoa học Leland Hartwell (người Mỹ), Paul M.Nurse và Timothy Hunt (người Anh) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y học năm 2001 vì những đóng góp trong công trình nghiên cứu về cơ chế kiểm soát chu kỳ của tế bào, mở ra khả năng mới cho việc điều trị bệnh ung thư.

- Năm 2002:
Hai nhà nghiên cứu Sydney Brenner, John E. Sulston (người Anh) và nhà nghiên cứu H. Robert Horvitz (người Mỹ) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y Sinh học năm 2002 vì những khám phá về "Điều hòa di truyền trong phát triển tạng và chết tế bào theo chương trình".

- Năm 2003:
Nhà khoa học Paul C. Lauterbur (người Mỹ) và nhà khoa học Sir Peter Mansfield (người Anh) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y học năm 2003 vì có những thành tựu trong lĩnh vực chụp hình ảnh bằng phương pháp cộng hưởng từ (MRI) để chụp não bộ và các cơ quan nội tạng con người.

- Năm 2004:
Hai nhà khoa học Richard Axel và Linda B. Buck (người Mỹ) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y học năm 2004 vì công trình nghiên cứu về cơ quan khứu giác của con người.

- Năm 2005:
Hai nhà khoa học Barry J. Marshall và J. Robin Warren (người Australia) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y học năm 2005 vì những phát hiện về "vi khuẩn Helicobacter pylori và vai trò của nó trong bệnh viêm dạ dày và loét dạ dày".


- Năm 2006:
Hai nhà khoa học Andrew Z.Fire và Craig C.Mello (người Mỹ) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y học năm 2006 với công trình nghiên cứu về lĩnh vực sinh học phân tử, cho phép "phong tỏa" những "gien xấu", từ đó mở đường cho các phương pháp điều trị mới.

- Năm 2007:
Ba nhà khoa học gồm Tiến sĩ Mairo R. Capecchi (người Mỹ gốc Italia), Tiến sĩ Oliver Smithies (người Mỹ) và Tiến sĩ Martin J.Evans (người Anh) cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Y học năm 2007 với những khám phá mang tính đột phá về gien đã trở thành nền tảng của ngành y sinh học thế giới thế kỷ XXI.

- Năm 2008:
Ba nhà khoa học, trong đó, có hai nhà khoa học người Pháp là: bà Francoise Barre-Sinoussi và Luc Montagnier cùng vinh dự nhận giải thưởng Nobel Y học 2008 vì đã khám phá ra virút gây suy giảm hệ miễn dịch ở người, tức virus HIV, dẫn đến bệnh AIDS; và một nhà khoa học người Đức Harald zur Hausen (Haran du Hauxen), với nghiên cứu phát hiện nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ là do virút.

- Năm 2009:
Ba nhà khoa học người Mỹ gồm Elizabeth Blackburn, Carol Greider và Jack Szostak cùng trở thành các đồng chủ nhân giải thưởng Nobel Y học năm 2009, vì đã tìm ra cách thức các nhiễm sắc thể được sao chép một cách hoàn chỉnh trong quá trình phân chia của tế bào và được bảo vệ để không bị thoái hóa.

- Năm 2010:
Nhà y sinh học người Anh Robert Edward đoạt giải thưởng Nobel Y học năm 2010 vì có công lớn trong việc tìm ra kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), mang lại niềm vui làm cha-mẹ cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn con.

- Năm 2011:
Bộ ba các nhà khoa học, gồm Bruce Beutler – người Mỹ, Jules Hoffmann – người Luxembourg và Ralph Steinman – người Canada đã đoạt giải Nobel Y học 2011 với những công trình nghiên cứu đột phá về hệ thống miễn dịch.


Minh Lan (tổng hợp)
Nobel Y học 2012: Bước đột phá trong “hồi xuân” tế bào
Nobel Y học 2012: Bước đột phá trong “hồi xuân” tế bào

Ngày 8/10, nhà khoa học người Nhật Bản, Shinya Yamanaka và nhà khoa học Anh, John B. Gurdon đã cùng giành giải Nobel Y học 2012 với công trình mang tính đột phá về tế bào gốc, mở ra cánh cửa cho những phương pháp chẩn đoán và chữa trị bệnh mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN