Giải pháp cho thực trạng 'nhà bỏ hoang' tại Nhật Bản

Xập xệ nằm giữa những khu vườn um tùm cây cỏ sau nhiều năm không dọn, số lượng akiya - nhà bỏ hoang – đang trong chiều hướng gia tăng đến mức đáng lo ngại tại Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Một căn nhà bỏ hoang tại thành phố Nachikatsuura, tỉnh Wakayama. Ảnh: KYODO

Theo số liệu của chính phủ, năm 2018, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 8,5 triệu căn nhà hoang, chiếm gần 14% nhà ở tại Nhật Bản. Viện Nghiên cứu Nomura ước tính tỷ lệ này có thể vượt quá 30% vào năm 2033.

Tổng diện tích đất không có người ở ở Nhật Bản thậm chí còn lớn hơn diện tích đất trên đảo Kyushu. Nguyên do dẫn đến thực trạng nhà bỏ hoang ngày càng nhiều tại "quốc gia Mặt Trời mọc" này là do sự sụt giảm mạnh nhân khẩu học.

Trong một số trường hợp, chủ nhân của những ngôi nhà này qua đời mà không có người thừa kế. Trong khi đó, có những tài sản lại được để cho một nhóm người thừa kế, và nếu như chỉ cần một người không đồng ý bán, ngôi nhà lại bị lãng quên.

Có những trường hợp đơn giản chỉ là người chủ chuyển nhà đi chỗ khác sinh sống song không đăng ký thay đổi địa chỉ, nên chính quyền địa phương không thể liên lạc để quyết định số phận của căn nhà.

Chú thích ảnh
Nhật Bản có hơn 8,5 triệu căn nhà bỏ hoang. Ảnh: KYODO

Tháng 4/2021, Chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi luật đăng ký bất động sản trong một nỗ lực giải quyết thực trạng nhà bỏ hoang. Một trong các sửa đổi là đưa ra hình thức phạt hành chính đối với những chủ sở hữu tài sản không đăng ký người thừa kế trong trường hợp họ qua đời. Luật sửa đổi cũng quy định quyền sở hữu bất động sản bị bỏ hoang được chuyển giao cho chính phủ nếu có nhu cầu phát sinh.

Trong một năm kể từ khi luật sửa đổi được ban hành, tình trạng nhà hoang tại Nhật Bản đã có những thay đổi đáng kể.

Wajima, một thành phố với 23.000 dân trên bán đảo Noto thuộc tỉnh Ishikawa, là một ví dụ điển hình cho thành công bước đầu trong việc tận dụng những căn nhà bỏ hoang.

Đối mặt với sự sụt giảm nhân khẩu học và tình trạng nhà trống ngày càng gia tăng, thành phố đã hợp tác với một công ty cung cấp dịch vụ an sinh xã hội BussiEn, biến những căn nhà bị bỏ hoang thành các không gian chung dành cho cộng đồng.

Dự án Wajima Kabulet dự án đã cải tạo các khu dân cư và cửa hàng cũ ở trung tâm thành phố thành các tiện ích mới bao gồm nhà hàng mì soba, cơ sở chăm sóc y tế và điều dưỡng, cơ sở thể thao, quán cà phê, nhà tập thể cho phụ nữ khuyết tật. Thậm chí còn có một nhà khách, một văn phòng làm việc chung, một ga-ra xe máy và một suối nước nóng kiểu cũ được cải tạo từ những căn nhà cũ.

Manabu Sasaki, người phát ngôn của Bussi-En, cho biết: “Kiếm quyền sử dụng những tài sản này từ tay người dân địa phương rất khó khăn vì việc giao đất cho người lạ không nằm trong hệ tư tưởng truyền thống. Nhưng chúng tôi đã thảo luận với người dân địa phương, và dần họ chấp nhận. Người dân đã bắt đầu sử dụng những tiện ích này, thúc đẩy sự giao lưu giữa các thế hệ”.

Chú thích ảnh
Tiện ích được cải tạo từ những căn nhà hoang. Ảnh: Bussi-En

Một giải pháp khác cho thực trạng nhà hoang mà chính quyền các địa phương áp dụng là Minna no Zero-en Bukken (dịch ra có nghĩa là “Tài sản không đồng cho mọi người”).

Đối với nhiều người được thừa kế những ngôi nhà bị bỏ hoang, đơn giản là họ không muốn và cảm thấy những căn nhà đó không có giá trị đáng một đồng. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với những khoản chi lớn nếu sở hữu những căn nhà đó. Thuế nhà đất trung bình một năm tại Nhật Bản rơi vào khoảng 120.000 yên. Bên cạnh đó, còn có phí bảo dưỡng, phí thuế thừa kế, tiền bảo hiểm, chưa kể đến chi phí dỡ bỏ căn nhà trong trường hợp không muốn sử dụng.

Minna no Zero-en Bukken được tạo ra để phục vụ những người có nhu cầu mua nhà giá rẻ. Họ sẽ không phải trả gì ngoại trừ phí hành chính và thuế để sở hữu một căn nhà.

Doanh nhân Ryo Nakamura thừa kế một ngôi nhà và một cửa hàng sau khi cha anh qua đời trong năm 2018. Anh không có ý định sử dụng số tài sản đó song chi phí để dỡ bỏ chúng còn nhiều hơn giá trị mảnh đất. Tình cờ, anh gặp một người muốn khởi nghiệp mở quầy bán nước hoa quả. Tài sản được chuyển nhượng hoàn toàn không mất phí. Anh nhận ra đây là một thương vụ “cả hai bên cùng có lợi”. Anh nảy ra ý tưởng thành lập công ty Zero Estate cung cấp dịch vụ Minna no Zero-en Bukken từ năm 2019.

“Nhiều tài sản không thể được phân phối thông qua các kênh mua bán bất động sản thông thường đang được giao dịch trên trang website của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang cung cấp các dịch vụ chưa từng có, dịch vụ này sẽ làm hài lòng cả những người muốn thanh lý bất động sản và những người muốn sử dụng nó cho mục đích mới”, anh Nakamura giải thích.

Cho đến nay, website công ty của Nakamura đã rao bán 400 căn nhà bỏ hoang với giá 0 yên. 90% trong số đó đã được chuyển nhượng.

Chú thích ảnh
Những căn nhà như này có thể chuyển nhượng miễn phí cho chủ nhân mới. Ảnh: KYODO

“Nhật Bản đang trong giai đoạn suy giảm dân số nhanh chóng. Trong khi số lượng nhà trống đang tăng lên, thì những ngôi nhà mới vẫn tiếp tục được xây dựng và nhiều người cũng đang có nhu cầu. Tôi cảm thấy cung-cầu đang mất cân bằng. Nhiều người cần suy nghĩ về cách tái sử dụng đất và các tòa nhà cũ. Thông qua hoạt động của website, tôi muốn tạo cơ hội cho mọi người suy nghĩ về vấn đề này”, Nakamura bày tỏ.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Ngôi làng trường thọ ở Nhật Bản
Ngôi làng trường thọ ở Nhật Bản

Ngôi làng trường thọ Ogimi tại Nhật Bản lâu nay thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học và du khách quốc tế. Bí quyết để người dân nơi này sống thọ lại bắt nguồn từ những điều rất đơn giản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN