Giải pháp chống dịch tả lợn châu Phi trên thế giới

Dịch tả lợn châu Phi đã hoành hành tại Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Phi, châu Á và châu Âu gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Trước mức độ nguy hiểm của dịch, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp khống chế dịch sáng tạo.

Chú thích ảnh
Lợn chết vì nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Romania. Ảnh: AFP

Triệu chứng mắc dịch tả lợn châu Phi là con vật chán ăn, tăng nhiệt độ, nôn, tiêu chảy, khó thở, đứng không vững. Dịch tả lợn châu Phi không lây lan từ lợn sang người.

Lợn lây dịch tả lợn châu Phi do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua côn trùng như ve. Virus dịch tả lợn châu Phi có thể ẩn mình vài tháng trong thịt lợn đã qua xử lý và thậm chí vài năm trời trong thịt lợn đông lạnh.

Các chuyên gia an toàn sinh học nhận định trong vòng một năm tới, có khả năng dịch tả lợn châu Phi sẽ lan tới Mỹ, đe dọa gây thiệt hại 22 tỷ USD/năm.

Trong khi đó, tính đến ngày 3/3, tại Việt Nam đã ghi nhận dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương).

Trung Quốc tận dụng công nghệ cao

Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ và chăn nuôi lợn lớn nhất trên thế giới. Dịch tả lợn đã xuất hiện tại đây từ năm 2018.

Hiện nay, một số cơ sở chăn nuôi lợn lớn tại Trung Quốc đã sử dụng công nghệ cao để nhận diện sớm dịch.

Truyền thông địa phương cho biết các doanh nghiệp công nghệ lớn như Alibaba và JD.com còn dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và giọng nói để giám sát sức khỏe của lợn nuôi, phát hiện những triệu chứng bệnh và thay đổi trong hành vi của con vật.

Chú thích ảnh
Lợn hoang là một trong những nguồn gây lây lan dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Guardian

Đan Mạch xây hàng rào “chống lợn hoang”

Đan Mạch đã lên kế hoạch xây dựng hàng rào dài 70 km dọc biên giới quốc gia này để ngăn không cho lợn hoang xâm nhập và lây lan dịch tả lợn châu Phi.

Ngành chăn nuôi lợn tại Đan Mạch đóng vai trò quan trọng bởi xuất khẩu thịt lợn của quốc gia này riêng trong năm 2017 đã thu về 2,7 tỷ USD.

Ông Jens Monk Ebbesen tại Hội đồng Thực phẩm và Nông nghiệp Đan Mạch cho biết nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi có thể lan truyền qua nhiều quốc gia châu Âu như Bỉ, CH Séc, Hungary một phần do lợn hoang ăn thực phẩm nhiễm virus dịch tả  mà con người vứt đi.

Trang tin ABC (Australia) cho biết Đan Mạch đã khởi động thi công hàng rào ngăn lợn hoang từ đầu năm 2019. Tổng chi phí cho công trình này là vào khoảng 10 triệu euro, trong đó nông dân sẽ ủng hộ 4 triệu euro.

Hà Linh/Báo Tin tức
Hà Nội khẩn trương phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi
Hà Nội khẩn trương phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi

Thành phố Hà Nội đã khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, cần chủ động thực hiện ngay các giải pháp phòng bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN