Giải quyết cuộc khủng hoảng Xyri: Trung Quốc hy vọng, Anh lo ngại

Những ngày qua, các nước tiếp tục đưa ra những nhận định và phản ứng khác nhau về tình hình Xyri. Trong khi Trung Quốc bày tỏ tin tưởng rằng vẫn có khả năng tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Xyri, thì Anh lại lo ngại quốc gia Trung Đông này có thể sớm rơi vào nội chiến.

Một ngày sau khi đặc phái viên Trung Quốc tới Xyri, Tân Hoa xã ngày 19/2 đăng bài bình luận nhấn mạnh: "Cũng như các nước khác, Trung Quốc tin rằng vẫn còn hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng tại Xyri thông qua đối thoại hòa bình giữa phe đối lập và chính phủ". Bài viết cũng chỉ trích quan điểm của một số nước phương Tây, cho rằng các nước này "chủ yếu dựa trên các toan tính địa chính trị".

Xe tăng quân chính phủ án ngữ tại một đường phố ở quận Harasta, gần Damascus ngày 15/2/2012. AFP/TTXVN


Cùng ngày, Mỹ, châu Âu và các nước Arập vùng Vịnh tuy đều lên tiếng kêu gọi Tổng thống Xyri Bashar al-Assad từ chức, song loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Xyri theo kịch bản Libi.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey ngày 19/2 cảnh báo việc can thiệp vào Xyri là "rất khó", đồng thời cho rằng hiện còn quá sớm để trang bị vũ khí cho phong trào đối lập. Phát biểu trên kênh tin tức CNN, Tướng Đemxi nhận định các thách thức an ninh tại Xyri xét về phương diện địa lý và quân sự đều rất khác so với những thách thức tại Libi. Theo ông, Xyri là trung tâm mà các nước Trung Đông đang ganh đua, đặc biệt là Iran và Arập Xêút. Hơn nữa, Xyri có hệ thống phòng không hiện đại và phối hợp tốt nên "can thiệp vào nước này là rất khó". Tướng Đemxi nhấn mạnh con đường tìm kiếm sự đồng thuận quốc tế hiện là hướng đi thích hợp hơn là hành động đơn phương. Tuy nhiên, ông này cũng tỏ ý "sẵn sàng cung cấp các lựa chọn quân sự cho giới lãnh đạo Mỹ".

Phát biểu trên đài BBC cùng ngày, Ngoại trưởng Anh William Hague một lần nữa nhấn mạnh: "Chúng ta không thể can thiệp theo cách đã làm tại Libi". Tuy nhiên, ông Hague bày tỏ lo ngại Xyri có thể sớm rơi vào nội chiến vì vậy các cường quốc"cần phải làm ngay điều gì đó" để ngăn chặn nguy cơ này.

Trong khi đó tại Xyri, ông Faisal al-Qudsi, con trai của cựu Tổng thống Xyri Nazem al-Qudsi và hiện là một trong những doanh nhân hàng đầu nước này, cho biết nền kinh tế quốc gia Xyri đang khốn đốn vì các biện pháp trừng phạt của nước ngoài. Theo ông, làn sóng biểu tình đã hủy hoại ngành du lịch Xyri và lệnh cấm xuất khẩu dầu cùng các sản phẩm khác đã làm sụt giảm đáng kể Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Xyri. Dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Xyri đã giảm từ 22 tỷ USD xuống còn 10 tỷ USD và vẫn tiếp tục bị thu nhỏ.

Trong một diễn biến liên quan, Gioócđani cho biết đang cho dựng một trại tị nạn gần biên giới phía Bắc giáp với Xyri để chuẩn bị cho một làn sóng tị nạn ồ ạt của người Xyri muốn tránh tình trạng bạo lực tại quê nhà. Theo Bộ Lao động công ích, trại tị nạn được dựng lên trên một diện tích 300 mét vuông ở sa mạc, nằm cách biên giới 20km, và có thể cho 1.000 gia đình trú tạm. Hiện, hệ thống điện, nước đã được lắp đặt và dự kiến trại sẽ bắt đầu hoạt động trong vòng hai tuần tới sau khi hoàn thiện các công trình phụ và nội thất. Ước tính, chi phí cho công trình này là một triệu USD.

Đây là trại tị nạn đầu tiên dành cho người Xyri được xây dựng tại Gioócđani kể từ khi nổ ra làn sóng biểu tình chống chính quyền tại Xyri. Cơ quan Tị nạn của LHQ đã phối hợp với Chính phủ Gioócđani chuẩn bị trại tị nạn trên. Các nhân viên cứu trợ ước tính hiện đã có khoảng 10.000 người Xyri đang tị nạn tại Gioócđani, hầu hết trú tại các nhà tư nhân hoặc nhà người thân.

TTXVN/ Tin Tức
Năm nhân tố quyết định sự sống còn của chính quyền Xyri
Năm nhân tố quyết định sự sống còn của chính quyền Xyri

Tình hình bất ổn tại Xyri đã kéo dài gần một năm nay nhưng bất chấp sức ép ở trong và ngoài nước, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đứng vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN