Máy bay Eurofighter trình diễn tại Triển lãm hàng không Farnborough, tây nam thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cơ quan công tố Áo thông báo tiến hành cuộc điều tra trên. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Airbus cho biết cơ quan công tố tại Áo đã lần đầu tiên thông báo với Airbus rằng mọi cá nhân trong một danh sách tội phạm tài chính của Áo đều bị điều tra, và danh sách này có ông Tom Enders. Người phát ngôn này tái khẳng định: "Airbus tin rằng các cáo buộc này hoàn toàn vô căn cứ".
Tháng 2 vừa qua, Áo đã kiện Airbus liên quan đến một hợp đồng mua máy bay tiêm kích Eurofighter năm 2003, từ lâu bị cáo buộc có nhiều điều mờ ám, và đòi mức bồi thường thiệt hại lên tới 1,1 tỷ euro.
Bộ Quốc phòng Áo khi đó cho biết trong vụ kiện trên, Airbus và tập đoàn Eurofighter bị cáo buộc chủ ý lừa dối Vienna về đơn hàng trị giá 2 tỷ euro. Khi đó, ông Enders là người đứng đầu tập đoàn Hàng không vũ trụ và quốc phòng châu Âu (EADS) - trở thành tập đoàn Airbus từ năm 2014.
Máy bay tiêm kích Eurofighter là sản phẩm uy tín của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu, với 475 máy bay đã được bán cho Đức, Anh, Italy và Tây Ban Nha, cũng như Australia và Saudi Arabia. 4 nước sáng lập tập đoàn này - gồm Đức, Tây Ban Nha, Anh và Italy - đều sử dụng máy bay Eurofighter trong các lực lượng Không quân. Nhiều hợp đồng khác đã được ký với Oman và Kuwait.
Năm 2003, Áo đã ký hợp đồng mua 18 máy bay Eurofighter, sau này giảm xuống còn 15 chiếc vì ngân sách hạn hẹp. Một cuộc điều tra tham nhũng đã được tiến hành từ năm 2007 và dẫn tới việc đình chỉ công tác của Tư lệnh Không quân Áo khi đó, do có các tiết lộ rằng công ty của vợ ông đã được một nhà vận động hành lang hối lộ 87.600 euro.