Đón ông Rafael Grossi tại sân bay quốc tế Imam Khomeini ở Tehran có Đại sứ Iran tại IAEA Kazem Gharibabadi và người phát ngôn Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi. Trước đó, ngày 16/2, Tổng Giám đốc Grossi đã đề nghị đến Iran “để tìm kiếm một giải pháp được cả hai bên nhất trí” giúp IAEA có thể tiếp tục công tác xác minh cần thiết. Đề xuất được đưa ra sau khi Iran thông báo với IAEA về kế hoạch "ngừng thực thi các biện pháp minh bạch tự nguyện" - một phần trong thỏa thuận JCPOA - kể từ ngày 23/2.
Thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt JCPOA mà Iran ký kết với các cường quốc thế giới năm 2015 nhằm mục đích hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran, đổi lại nước này sẽ được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Để đáp trả, một năm sau đó, Iran từng bước đình chỉ việc tuân thủ hầu hết các cam kết hạt nhân quan trọng.
Theo JCPOA, các thanh tra của IAEA có quyền tiếp cận một cách hạn chế các cơ sở phi hạt nhân của Iran, bao gồm cả các địa điểm quân sự, trong trường hợp nghi ngờ diễn ra các hoạt động hạt nhân bất hợp pháp. Tuy nhiên, vào tháng 12/2020, Quốc hội Iran đã thông qua một đạo luật, bắt buộc chính phủ phải kiên quyết với lập trường hạt nhân của mình. Với đạo luật này, Tehran sẽ chấm dứt quyền thanh tra của IAEA kể từ ngày 21/2, trừ khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo IAEA năm 2019, ông Grossi mới đến Iran một lần. Tuy nhiên, chuyến thăm hồi tháng 8/2020 của ông được đánh giá là thành công, tạo điều kiện cho các thanh sát viên của IAEA được quyền truy cập hai địa điểm hạt nhân - vốn được cho là những nơi đã từng diễn ra các hoạt động phát triển hạt nhân hồi đầu năm 2000, song không được công bố.