Giáo dục đại học của Mỹ khốn khó vì COVID-19 và căng thẳng địa chính trị

Tại Mỹ, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cách dạy và học, công tác nghiên cứu và nhịp sống trong các trường đại học.

Chú thích ảnh
Một sinh viên ngồi trầm tư trong khuôn viên hầu như không có người tại Đại học Columbia ngày 9/3/2020. Ảnh: AP

Tác động lây lan đối với mảng đào tạo đại học dành cho sinh viên quốc tế là nghiêm trọng nhất. Biên giới đóng cửa, đi lại bằng đường hàng không bị siết chặt, các chương trình du học, trao đổi học thuật bị hủy, trường đại học ở Mỹ hầu như không có học sinh quốc tế nhập học mới.

Với số sinh viên cũ, một số chọn cách học trực tuyến (online), nhưng nhiều em đã quyết định nghỉ học. Theo số liệu sơ bộ của Trung tâm nghiên cứu sinh viên quốc gia Clearinghouse, sẽ có khoảng ¼ sinh viên nước ngoài không thể tham dự các khóa học trong năm 2020. 

Đứt gãy này cho thấy các trường đại học tại Mỹ phụ thuộc rất lớn vào đối tượng sinh viên nước ngoài. Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global mới đây đã liệt các trường có đông lưu học sinh nước ngoài vào diện “nguy cơ trọng yếu” do mất nguồn học phí từ sinh viên quốc tế. Mảng nghiên cứu học thuật cũng chịu tổn thất lớn. Năm 2018, hơn một nửa nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành cơ khí, toán học, khoa học máy tính tại các trường Đại học Mỹ là sinh viên nước ngoài và tỉ lệ này liên tục tăng trong hai thập kỉ trở lại đây. 

Điều tệ hại nằm ở chỗ sức hút của đại học Mỹ với sinh viên quốc tế có thể sẽ không hồi phục ngay cả khi vaccine trị COVID-19 ra đời. Theo Jason E. Lane, Hiệu trưởng trường Đại học giáo dục thuộc Đại học Albany (New York), nguy cơ dài hạn có thể sẽ là những vấn đề chính trị, chứ không phải đại dịch.

Hạn chế thị thực (visa), đối đầu Mỹ-Trung Quốc cũng như môi trường chính trị căng thẳng tại Mỹ với sự trỗi dậy của tư tưởng bài nhập cư sẽ là rào cản lớn đối với các trường Đại học Mỹ trong thu hút sinh viên nước ngoài. 

Thời giáo dục đại học Mỹ được lợi từ toàn cầu hóa giáo dục

Giáo dục đại học Mỹ bắt đầu lan rộng ra toàn cầu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Mức độ bùng nổ vượt khỏi biên giới nước Mỹ, với việc một số nước như Nhật Bản, Malaysia, sau đó là Brazil và Saudi Arabia nhận ra giáo dục là công cụ để chuyển đổi kinh tế và giành nguồn lực quốc gia để cấp học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh học tập ở nước ngoài. 

Chú thích ảnh
Mỹ từng là điểm đến mơ ước của nhiều sinh viên nước ngoài. Ảnh: CollegePost

Xu hướng này vẫn tiếp tục được duy trì trong hai thập niên đầu của thế kỉ 21, với số lưu học sinh quốc tế học tập tại Mỹ đã đạt mức 1,1 triệu người trong năm học 2018-2019, cùng với đó là 5,5 triệu sinh viên khác đi du học tại những nền kinh tế có trình độ giáo dục phát triển như Anh, Australia, Canada... 

Ngoài việc các trường Đại học chủ động tìm cách thu hút sinh viên nước ngoài, điều chỉnh chính sách của chính quyền cũng đóng vai trò quan trọng. Khởi nguồn từ thời Tổng thống George W. Bush và sau đó là Barack Obama, Mỹ nới lỏng các quy định về visa, giúp sinh lưu học sinh dễ dàng đến Mỹ học tập. Giáo dục Đại học Mỹ đã xuất khẩu uy tín, danh tiếng của mình, lập ra các chương trình liên kết, hợp tác nghiên cứu với đối tác ở nhiều nước. 

Sinh viên quốc tế mang lại sức sống cho các trường cao đẳng, đại học Mỹ. Chỉ chiếm 5,5% số lượng, nhưng lưu học sinh nước ngoài tại Mỹ đóng góp nguồn tài chính lớn cho giáo dục bậc đại học. Nguyên nhân là họ thường phải đóng mức học phí gần như toàn bộ, ít nhận được hỗ trợ tài chính. Theo ước tính của Hiệp hội các nhà giáo dục Quốc tế (NAFSA) – một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận tại Mỹ, sinh viên quốc tế hàng năm đóng góp cho Mỹ 41 tỉ USD và góp phần tạo ra khoảng 460.000 việc làm tại Mỹ. 

Không có gì là ngạc nhiên khi chính quyền nhiều bang, nhiều trường đại học tại Mỹ phản đối quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi mùa hè vừa qua về cấm sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ nếu các khóa học được giảng dạy trực tuyến 100%. Số này ra thông báo bày tỏ ủng hộ Đại học Havard và Viện Công nghệ Masssachusetts khởi kiện chính sách mới của Nhà Trắng. Cuối cùng, chính quyền đã buộc phải thay đổi quyết định, cho phép sinh viên nước ngoài tiếp tục được theo học tại Mỹ. 

Thế kẹt do tác động từ COVID-19 và yếu tố địa chính trị

Đến tháng 3/2020 COVID-19 mới bùng phát mạnh tại Mỹ, nên đại dịch tác động tới các trường đại học, cao đẳng khi khóa học bước vào giai đoạn giữa kỳ 1 - thời điểm hầu hết sinh viên, kể cả trong nước và quốc tế, đều ở lại khuôn viên ký túc, nhà trọ.

Do yếu tố thời gian công với việc các nước rốt ráo đóng cửa biên giới, ngừng đường bay quốc tế, nên ít sinh viên nước ngoài có điều kiện về nước ở giai đoạn đầu bùng phát dịch. Thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) cho thấy, hơn 90% sinh viên quốc tế hiện vẫn đang ở Mỹ. 

Thế nhưng việc thu hút lưu học sinh học mới gặp khó khăn. Những thay đổi liên tục trong chính sách, quy định của chính quyền với đối tượng sinh viên nước ngoài, nhất là về visa, khiến sinh viên mới, sinh viên tiềm năng có kế hoạch du học tại Mỹ cảm thấy bất an.

Chú thích ảnh
​Sinh viên đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường đại học Georgetown ở Washington, DC, Mỹ, ngày 7/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân tố hàng đầu chi phối đăng ký du học chính là việc thế giới đánh giá Mỹ không xử lý, đối phó hiệu quả COVID-19. Phải đến khi kiểm soát được đại dịch và có vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 an toàn, hiệu quả, các bậc phu huynh mới hết do dự gửi con sang Mỹ. 

Nhìn rộng ra, khó khăn đối với đại học Mỹ còn đến từ thực tế mức độ tăng trưởng của sinh viên nước ngoài theo học ở Mỹ đã qua thời đỉnh cao trước khi đại dịch bùng phát. Số lưu học sinh mới theo học bậc đại học ở Mỹ giảm trong ba năm liên tiếp gần đây. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. 
Đó là việc các nước có đông sinh viên theo học giờ đây đã cải thiện chất lượng đào tạo trong nước. Trong khi đó những điểm đến du học khác như Australia, Canada nổi lên là đối thủ cạnh tranh quyết liệt với Mỹ trong thu hút sinh viên.

Thứ đến là yếu tố nhân chủng học. Các trường Đại học Mỹ phụ thuộc quá lớn vào một nước, đó là Trung Quốc trong tìm nguồn sinh viên quốc tế. Nhưng số người ở độ tuổi theo học đại học tại Trung Quốc lại đang có xu hướng giảm do tác động từ chính sách một con Bắc Kinh thực hiện trong nhiều thập kỉ trước. 

Thách thức lớn nhất đến từ bước dịch chuyển trong môi trường chính trị, văn hóa tại Mỹ. Nếu thời kỳ hoàng kim của giáo dục quốc tế trùng lặp với bước chuyển toàn cầu hóa, mở cửa thế giới, thì nay chủ nghĩa bản địa bài ngoại (nativisma) và chủ nghĩa dân tộc lại đang nổi lên.

Hệ thống gáo dục đại học nhận ra rằng họ nằm ngay giữa xu thế chia rẽ xã hội tại Mỹ. Một khảo sát tại 13 nước ngay trước bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cho thấy, có đến 60% sinh viên quốc tế nói rằng sẽ “suy nghĩ lại” kế hoạch theo học ở Mỹ nếu ông Trump thắng cử.

Theo Peterson, người điều hành chương trình học bổng Fulbright, lựa chọn của sinh viên nước ngoài chưa bao giờ chỉ là vì giáo dục đại học, mà là ở một tầm cao hơn, đó là một xã hội mà trong đó các trường đại học là một thành tố. 

Chính quyền ông Trump đã thay đổi xã hội đó. Ngay trong những tuần đầu lên nắm quyền, ông chủ Nhà Trắng đã ban hành sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh đối với nhiều nước Hồi giáo. Kế đến là một loạt những thay đổi chính sách đầy bất ngờ với việc thu hút sinh viên nước ngoài. Chính quyền siết chặt quy định với sinh viên Trung Quốc, rà soát lý lịch, kiểm tra tài khoản mạng xã hội sinh viên, gây khó khăn cho số nghiên cứu sinh, thực tập sinh sau  tiến sĩ sinh sống và làm việc tại Mỹ sau tốt nghiệp. 

Cuối tháng 9/2020, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đề xuất quy định bác đơn xin gia hạn visa nếu sinh viên không hoàn tất khóa học trong vòng 4 năm, chỉ cấp visa hai năm với sinh viên từ một số nước được Mỹ xác định “có nguy cơ cao”. Theo luật mới này, nhiều sinh viên đến Mỹ mà không biết chắc rằng họ có đủ thời gian sinh sống hợp pháp ở Mỹ để hoàn tất bằng khóa học và nhận bằng hay không. “Nước Mỹ đang làm mọi thứ có thể để xua đuổi sinh viên quốc tế”, ông Lane bình luận. 

Trung Quốc, nước có số lưu học sinh đông nhất tại Mỹ, có các chương trình hợp tác nghiên cứu, học thuật đứng đầu với các đối tác Mỹ, là nước chịu tác động mạnh nhất trong điều chỉnh chính sách về giáo dục của chính quyền Donald Trump.

Mỹ đã ngừng Chương trình Fulbright với Hong Kong và Trung Quốc đại lục, hủy visa của các sinh viên, nghiên cứu sinh mà Mỹ cho rằng có liên hệ với quân đội Trung Quốc, đồng thời cảnh báo ban điều hành các trường đại học cẩn trọng trong đầu tư, hợp tác với các công ty Trung Quốc.

Môi trường chính trị bao quanh sinh viên quốc tế như vậy có thể sẽ cản trở hồi phục của giáo dục đại học Mỹ thời hậu đại dịch. Nhiều nhà giáo dục đang chờ đợi kết quả bầu cử Tổng thống trong tháng 11 tới, với hy vọng chính quyền mới do  ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đứng đầu sẽ thân thiện hơn với sinh viên nước ngoài. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (World Polictics Review)
Tác động của việc thay đổi quy định về thời gian lưu trú đối với sinh viên quốc tế tại Mỹ
Tác động của việc thay đổi quy định về thời gian lưu trú đối với sinh viên quốc tế tại Mỹ

Theo đề xuất mới mà Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) được công bố trên trang Công báo Chính phủ để lấy ý kiến công chúng, thị thực cho những sinh viên có quốc tịch hoặc được sinh ra ở 59 quốc gia, trong đó phần lớn là các nước châu Phi cùng một số nước Trung Đông và châu Á - bao gồm Việt Nam, sẽ chỉ có thời hạn tối đa 2 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN