Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Hàn Quốc đang là thị trường giao thực phẩm lớn thứ 4 thế giới đạt giá trị 16,7 tỷ USD. Người dân Hàn Quốc có xu hướng chuyển đến tìm kiếm, đặt món và chi trả qua hình thức giao đồ ăn.
Yếu tố dẫn đến thói quen tiêu dùng này là sự phát triển của ứng dụng giao đồ ăn và ngày càng có nhiều người sống độc thân tại Hàn Quốc. Ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất Hàn Quốc Baedal Minjok chỉ riêng trong tháng 8 đã có 36 triệu lượt giao hàng, tương đương 1,2 triệu lượt giao mỗi ngày.
Nhưng sự bùng nổ này cũng kèm theo cái giá phải trả. Trường hợp một thiếu niên tử vong khi giao thức ăn trong năm 2018 đã gây báo động về mức độ nguy hiểm của công việc này. Những người giao thức ăn thường phải di chuyển nhanh nhất có thể để chuyển đến người đặt hàng món ăn còn nóng ấm.
Năm 2018, Kim Eun-bum (17 tuổi) thiệt mạng khi đi giao thức ăn tại đảo Jeju. Chủ nhà hàng đã giao việc cho Kim Eun-bum mặc dù cậu chưa đủ tuổi. Sau cái chết của Kim Eun-bum, nhà hàng bị phạt 200.000 won (khoảng 5,7 triệu đồng) nhưng không bị khởi tố vì cái chết của thiếu niên này.
Mặc dù nhiều người Hàn Quốc vẫn gọi đồ ăn qua điện thoại nhưng ứng dụng giao hàng đang ngày càng “nở rộ” và tăng từ 24,9% năm 2017 lên 34,7% năm 2018.
Ứng dụng Baedal Minjok ra mắt năm 2011 có liên kết với 80.000 nhà hàng. Công ty mẹ của ứng dụng này là Woowa Brothers đã trở thành hình mẫu khởi nghiệp đồng thời có giá trị ở mức 1 tỷ USD. Ứng dụng gọi đồ ăn lớn thứ hai tại Hàn Quốc – Yogiyo hiện đã liên kết với hơn 60.000 nhà hàng.
Hai ứng dụng Baedal Minjok và Yogiyo quá lớn mạnh đến mức đã đánh bật đối thủ cạnh tranh nước ngoài là UberEats ra khỏi Hàn Quốc trong tháng 10 sau 2 năm hoạt động tại đây.
Sự lớn mạnh này kéo theo đội ngũ lái xe giao thức ăn gia tăng. Việc chạy đua với thời gian để giao hàng kết hợp cùng thói quen lái ẩu của thiếu niên khiến nhiều người lái xe giao hàng trẻ tuổi phải bỏ mạng.
Theo cơ quan Phúc lợi và bồi thường người lao động Hàn Quốc, từ năm 2010 đến nay có tới 86 thiếu niên đã thiệt mạng và 4.500 người khác bị thương trong quá trình giao đồ ăn.
Shin Sung-sub, một công nhân 27 tuổi tại Seoul, chia sẻ từ khi còn là học sinh cấp 3, anh đã nhận công việc giao hàng tại ngoại ô thành phố Guri và được trả 250.000 won/tuần (khoảng 4,8 triệu đồng) khi làm việc giao thức ăn mỗi ngày sau giờ tan trường. Shin Sung-sub cho biết anh cũng đã từng có 2-3 lần suýt chết hụt trên đường nhưng may mắn không bị thương tích nặng. Shin kể lại: “Có thời điểm vừa giao hàng trở về tôi nhận được thêm 10 đơn hàng khác đang đợi để giao”.
Bộ Lao động và Tuyển dụng Hàn Quốc cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2016-2019, các công ty tuyển lái xe giao thức ăn đã báo cáo về hơn 650 vụ tai nạn. Một vấn đề khác được quan tâm là chính sách bảo hiểm. Bộ Giao thông Hàn Quốc cho biết chỉ 5,7% các nhân viên giao hàng đang ký bảo hiểm được nhận đền bù khi gặp tai nạn.
Các lái xe giao đồ ăn được trả 3.500 won (66.000 đồng) mỗi lần giao hàng và nhận yêu cầu phải giao sớm nhất có thể. Có những shipper giao tới 11 đơn hàng trong một giờ.
Nhiều người sử dụng ứng dụng đặt thức ăn Baedal Minjok và Yogiyo nhận được thông báo rằng đơn hàng của họ cần từ 40-50 phút để giao. Đây được coi là cách để giảm sự chờ đợi của thực khách với người giao hàng.