Sau bao nỗ lực, hôm đó cô cũng lấy được điện thoại để báo xin nghỉ ốm với nhà trường. Cuối ngày hôm đó, bác sĩ tâm thần của Hyun-ju đã yêu cầu cho cô phải nghỉ làm ít nhất sáu tháng, do cô có nguy cơ bị suy sụp nghiêm trọng nếu không nghỉ ngơi.
Đây không phải là lần đầu tiên cô Hyun-ju bị khủng hoảng tinh thần.
Năm 2019, chỉ hai năm sau khi bước vào sự nghiệp giảng dạy, một cuộc ẩu đả lớn giữa các học sinh trong lớp đã đẩy cô Hyun-ju đến bờ vực. Cô bắt đầu gặp ác mộng hàng đêm, ý nghĩ tự tử cũng xuất hiện trong đầu.
Hyun-ju thuộc nhóm 26,6% trong số hơn 11.000 giáo viên được Liên đoàn Lao động Giáo viên khảo sát hồi tháng 4, cho biết họ đã được điều trị hoặc tư vấn về sức khỏe tâm thần trong 5 năm qua.
Những ngày gần đây, tâm điểm dư luận ở Hàn Quốc đang tập trung vào cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần mà các giáo viên đang phải đối mặt. Sự việc bùng phát sau vụ tự tử của một giáo viên 23 tuổi tại trường tiểu học Seoi vào ngày 18/7, sau nhiều tháng chịu đựng cảnh phụ huynh học sinh đe nẹt và gây sức ép.
Trong vài ngày qua, hai vụ giáo viên tự tử khác cũng đã xảy ra. Cả hai nạn nhân đều để lại di thư giãi bày rằng họ không thể đối phó với áp lực công việc và những lời phàn nàn quá mức từ cha mẹ học sinh.
Theo dữ liệu của chính phủ, khoảng 100 giáo viên trường công đã tự tử từ năm 2018 đến tháng 6/2023. Đáng chú ý, 11 trường hợp đã xảy ra trong nửa đầu năm 2023.
Phát biểu trước 20.000 người biểu tình trước trụ sở Quốc hội vào chiều 4/9, bác sĩ tâm thần Kim Hyun-soo cho biết: “Đây là một tình huống nghiêm trọng mà các trường học đang phải đối mặt”.
Hồi tháng 7, bác sĩ Kim đã lãnh đạo Hiệp hội Tâm thần kinh Hàn Quốc đưa ra lời kêu gọi thành lập một cơ chế để hỗ trợ giáo viên và bảo vệ họ khỏi bị lạm dụng.
Đứng trước sự gia tăng các trường hợp bạo lực thể xác và tinh thần do phụ huynh và học sinh gây ra cho giáo viên trong những năm gần đây, hiệp hội trên cảnh báo hệ thống giáo dục của đất nước này có thể sụp dổ “nếu chúng ta tiếp tục chỉ nhấn mạnh đến quyền con người của học sinh mà bỏ bê các quyền và nghĩa vụ của giáo viên”.
Trọng tâm của vấn đề này nằm ở luật phúc lợi trẻ em được thông qua năm 2014, trong đó quy định rộng rãi rằng “làm tổn hại đến sức khỏe hoặc phúc lợi của trẻ em, hoặc thực hiện hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần hoặc tình dục hoặc các hành vi tàn ác” sẽ cấu thành tội lạm dụng trẻ em. Giáo viên bị buộc tội lạm dụng trẻ em sẽ tự động bị đình chỉ và sẽ bị pháp luật trừng phạt.
Các giáo viên cho biết điều này đã làm sai lệch vai trò tương tác của giáo viên với cả học sinh và phụ huynh, vì giáo viên không thể đưa ra biện pháp kỷ luật, ngay cả khi tình huống cho phép. Bởi lẽ, các hình phạt sẽ được coi là vi phạm tính toàn vẹn về thể chất và nhân phẩm của học sinh.
Giáo viên không thể tự bảo vệ mình?
Đã có báo cáo về việc giáo viên bị học sinh hành hung do họ không được đáp trả hoặc tự vệ.
Hồi tháng 7, một học sinh lớp 3 tại một trường tiểu học ở Busan đã đấm đá vào mặt và người của một nữ giáo viên. Học sinh này chỉ bị dừng tay sau khi các giáo viên khác can thiệp.
Một giáo viên khác đã tâm sự trên diễn đàn trực tuyến về việc một học sinh thường xuyên tấn công cô bằng cách túm tóc và đập đầu cô vào bàn. Nữ sinh này còn đấm vào mặt, làm gãy kính của cô giáo.
Khi cô phản ánh sự việc với phụ huynh, họ mắng mỏ ngược lại cô tại sao lại không đeo kính áp tròng. Một phụ huynh khác lại nói với cô rằng cô kiếm sống từ học sinh nên hãy hành xử cho đúng.
Trên nền tảng cộng đồng trực tuyến Indischool, hơn 2.000 câu chuyện đã được các giáo viên chia sẻ chỉ trong ba ngày. Một trong những trường hợp nghiêm trọng liên quan đến một phụ huynh được cho là đã cầm rìu đến trường gây rối, sau khi cậu con trai học lớp 4 của anh ta bị phạt vì dùng dao rạch giấy đe dọa một bạn cùng trường.
Bà Won Ji-young, người có 26 năm kinh nghiệm giảng dạy, đã tận mắt chứng kiến nỗi đau khổ của đồng nghiệp thân thiết bị cha mẹ một đứa trẻ quậy phá tố cáo bạo hành trẻ em. Giáo viên đó chỉ được trắng án sau quá trình xét xử kéo dài hơn 2 năm rưỡi.
Cha mẹ của cậu bé đã giấu một chiếc máy ghi âm trong quần áo của cậu bé và ghép những đoạn ghi âm cảnh giáo viên mắng cậu bé lại với nhau. Họ nộp đơn khiếu nại một ngày sau khi thu xếp chuyển con sang trường khác.
Bà Won đã rơi nước mắt khi kể về thử thách căng thẳng mà đồng nghiệp của bà đã trải qua.
“Vấn đề không phải là số tiền cô ấy phải trả án phí hay việc thiếu sự hỗ trợ từ nhà trường hoặc Bộ Giáo dục mà là về sức khỏe tâm thần của giáo viên. Hãy nghĩ đến sự căng thẳng khi phải hầu tòa vì một lời tuyên bố vô căn cứ, khi tất cả những gì bạn muốn làm là dạy dỗ những đứa trẻ mà bạn yêu thương”, bà Won Ji-young lưu ý.
Bà nói rằng tình hình chưa bao giờ tồi tệ như hiện nay. Bà lo sợ một ngày nào đó sẽ phải nghỉ việc chỉ để bảo vệ chính mình.
Nữ giáo viên này tâm sự: “Tôi có thể xử lý việc có một học sinh quậy phá trong lớp, nhưng tôi không nghĩ mình có thể xử lý được những phụ huynh vô lý. Nếu tôi bỏ nghề dạy học, đó chỉ là vì tôi muốn bảo vệ sự tỉnh táo của mình. Nhưng việc giáo viên nghỉ việc sẽ không giải quyết được vấn đề: Chúng tôi cần thay đổi luật”.
Làn sóng biểu tình, bãi công của giáo viên
Nhu cầu thay đổi cơ chế đã thôi thúc các giáo viên tập trung biểu tình ở Seoul trong bảy ngày thứ 7 liên tiếp.
Hôm 2/9, khoảng 200.000 giáo viên đã đổ ra đại lộ tám làn xe phía trước Quốc hội để biểu tình. Đây là cuộc bãi công của giáo viên lớn nhất từ trước đến nay ở Hàn Quốc. Các giáo viên đã đến Seoul từ khắp nơi trên đất nước bằng xe buýt và thậm chí bằng hai chiếc máy bay từ đảo Jeju.
Các cuộc biểu tình là nỗ lực khởi đầu của các thành viên cộng đồng Indischool do các giáo viên tiểu học trên khắp Hàn Quốc thành lập.
Trong vài tuần qua, họ đã tổ chức các nhóm trò chuyện để thảo luận về hậu cần cho các cuộc biểu tình hàng tuần, điều hành các kênh truyền thông xã hội được thiết lập đặc biệt để quảng bá các hoạt động, đồng thời gây quỹ quyên góp cho quảng cáo trên xe buýt và tàu điện ngầm để nâng cao nhận thức về hoàn cảnh khó khăn của người giáo viên.
Ngoài những lời kêu gọi sửa đổi luật phúc lợi và lạm dụng trẻ em cũng như trừng phạt những phụ huynh nộp đơn khiếu nại ác ý và vô căn cứ, các giáo viên cũng yêu cầu Bộ Giáo dục phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ quyền lợi của họ.
Để đáp ứng nhu cầu đổi mới ngày càng tăng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho đã đưa ra lập trường mềm mỏng hơn đối với một nhóm giáo viên tổ chức đình công vào ngày 4/9.
Ông đã gửi lời đề nghị chân thành gửi tới các giáo viên, đảm bảo với họ rằng mục tiêu của ông “không khác gì các giáo viên trong mong muốn khôi phục quyền lực đã mất của người thầy cô”. Ông đồng thời kêu gọi các giáo viên kiềm chế hành động tập thể.
Tại lễ tưởng niệm nữ giáo viên trường tiểu học Seoi, ông Lee Ju-ho hứa sẽ lắng nghe tiếng nói của cộng đồng giáo viên.
Ông nói: “Chúng tôi đã biết được những vết thương lớn và đau đớn mà các giáo viên phải chịu đựng, cũng như cuộc khủng hoảng mà các trường học và lớp học của chúng tôi đang phải đối mặt lớn như thế nào”.
Kể từ đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ thúc đẩy các dự luật sửa đổi luật phúc lợi và lạm dụng trẻ em cũng như truy tố hình sự các khiếu nại ác ý chống lại giáo viên. Cơ quan này cũng cam kết sẽ xem xét lại quyền lợi của giáo viên 5 năm một lần.
Nhưng đối với cả hai cô giáo Won Ji-young và bà Kang hyun-ji, những thay đổi được công bố vẫn còn quá ít và có thể đã quá muộn.