Kết luận trên được MHRA đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới tạm dừng sử dụng vaccine do hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) cùng trường Đại học Oxford phối hợp bào chế, do lo ngại về các phản ứng phụ.
Theo MHRA, để đi đến kết luận tên, các nhà khoa học của Anh đã thực hiện nghiên cứu đối với cả vaccine của AstraZeneca/Oxford, cũng như vaccine do hãng Pfizer (Mỹ) cùng BioNTech (Đức) phối hợp bào chế. Bên cạnh đó, các dữ liệu nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguy cơ xảy ra hiện tượng đông máu là tương đương giữa nhóm đối tượng được tiêm chủng và nhóm chưa được tiêm chủng. Tuyên bố của bà June Raine - Giám đốc MHRA nêu rõ: "Không có bằng chứng cho thấy khả năng gia tăng nguy cơ xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch khi tiêm một trong hai loại vaccine này".
MHRA cũng cho biết chỉ phát hiện 5 trường hợp xuất hiện huyết khối hiếm trong não trong số 11 triệu người đã được tiêm vaccine của AstraZeneca. Với khẳng định việc tiêm vaccine đem lại nhiều lợi ích hơn so với các nguy cơ, cơ quan này khuyến nghị nên tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban về thuốc điều trị cho người Munir Pirmohamed thì ngụ ý rằng ngay cả khi có mối liên hệ giữa hiện tượng xuất hiện huyết khối và việc tiêm vaccine, không nhất thiết phải dừng chương trình tiêm chủng.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17/3 nhấn mạnh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca mang lại lợi ích lớn hơn bất kỳ nguy cơ nào, do đó các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nên tiếp tục sử dụng loại vaccine này.
Hiện tượng đông máu được cho là thường xuyên xảy ra và là nguyên nhân gây bệnh tim mạch phổ biến thứ 3 trên toàn cầu. Trong các chiến dịch tiêm chủng mở rộng, các nước thường xuyên thông báo những tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm chủng, song không hẳn toàn bộ các triệu chứng xuất hiện sau đó là hệ quả của việc tiêm chủng. Ủy ban Cố vấn toàn cầu của WHO về an toàn vaccine đang thận trọng đánh giá dữ liệu an toàn mới nhất và sẽ công bố ngay khi có kết quả.